Trong 7 tháng năm 2021, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng 1,64% so với cùng kỳ năm trước, tăng thấp nhất kể từ năm 2016. “Dù có nhiều yếu tố thuận lợi nhưng vẫn còn tiềm ẩn rủi ro đối với kiểm soát lạm phát từ nay đến cuối năm. Nếu CPI tăng trên 1% mỗi tháng, lạm phát cả năm vẫn đạt ở mức 4% theo kế hoạch đề ra. Song, không thể bằng lòng với phương án đó, kiểm soát lạm phát phải được đặt trong đa mục tiêu về thúc đẩy tăng trưởng, ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ phòng chống dịch. Kiểm soát CPI bình quân cần hướng đến kiểm soát cả CPI cùng kỳ tháng 12, làm nền tảng cho kiểm soát lạm phát năm 2022”, ông Nguyễn Anh Tuấn - Cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) cho biết.
Theo TS Nguyễn Bích Lâm, nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, Liên minh châu Âu nhận định lạm phát có thể đạt đỉnh trong năm 2021. Kinh tế Việt Nam có độ mở lớn nên áp lực lạm phát trong các tháng còn lại năm 2021 có thể tăng. Điều hành lạm phát cần bảo đảm linh hoạt, thích ứng với từng giai đoạn của nền kinh tế. Chính phủ cần nghiên cứu "ngưỡng lạm phát" phù hợp với từng giai đoạn phát triển kinh tế, để đặt ra lạm phát mục tiêu trung hạn thay vì lạm phát mục tiêu từng năm.
Trong kết luận mới đây, sau cuộc họp với Ban Chỉ đạo điều hành giá, Trưởng Ban Chỉ đạo - Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đã yêu cầu các bộ, ngành, địa phương theo dõi sát diễn biến cung cầu, giá cả thị trường các mặt hàng quan trọng, thiết yếu để điều hành phù hợp; chủ động tháo gỡ khó khăn, có phương án điều tiết nguồn hàng để tăng lượng cung ứng cho các địa phương có dịch bệnh cần cách ly hoặc giãn cách xã hội, bảo đảm cung cấp đủ hàng hóa thiết yếu cho người dân. Đặc biệt, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) phối hợp với Bộ Công thương chỉ đạo sản xuất kịp thời phù hợp với nhu cầu của thị trường, bảo đảm đủ nguồn cung và chủ động xây dựng các kịch bản tiêu thụ; đề xuất hỗ trợ các cơ chế đặc biệt trong lưu thông, phân luồng tiêu thụ nông sản, thúc đẩy xuất khẩu các mặt hàng nông sản có thế mạnh, không để đứt gãy chuỗi cung ứng.
Đối với Bộ Giao thông Vận tải (GTVT), Phó Thủ tướng đề nghị bộ cần chỉ đạo các cơ quan, đơn vị liên quan tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho hoạt động lưu thông hàng hóa đảm bảo thông suốt; đẩy nhanh việc xây dựng thông tư quy định mức giá, khung giá một số dịch vụ chuyên ngành hàng không tại cảng hàng không, sân bay, theo đó áp dụng chính sách giảm 50% giá cất cánh, hạ cánh tàu bay đối với các chuyến bay nội địa. Bộ Xây dựng phối hợp với Bộ Công thương chủ động nghiên cứu một số giải pháp nhằm giám sát, bình ổn giá vật liệu xây dựng, đặc biệt là giá thép, cát xây dựng...
Phó Thủ tướng Lê Minh Khái yêu cầu các địa phương đẩy mạnh giám sát việc thực hiện kê khai giá, niêm yết giá, công khai thông tin về giá; kiểm soát chặt chẽ yếu tố hình thành giá đối với các hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá, hàng hóa, dịch vụ mua sắm từ nguồn ngân sách Nhà nước, hàng hóa, dịch vụ công ích, dịch vụ sự nghiệp công; tăng cường thanh tra, kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về quản lý giá, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm theo quy định.
Công tác quản lý, điều hành giá các tháng còn lại năm 2021 cần tiếp tục thận trọng, linh hoạt và chủ động, tập trung vào việc kiểm soát lạm phát theo mục tiêu và hỗ trợ thực hiện mục tiêu kép của Chính phủ. Từ đó, vừa giữ ổn định mặt bằng giá để tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, đời sống của người dân, đảm bảo các điều kiện cho công tác phòng chống dịch bệnh, vừa hỗ trợ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Phía Tổng cục Thống kê cũng kiến nghị Bộ Công Thương và Bộ Tài chính theo dõi sát diễn biến giá xăng dầu thế giới; đồng thời kết hợp Quỹ bình ổn xăng dầu để hạn chế mức tăng giá của mặt hàng này đối với CPI chung của nền kinh tế. Bộ Công Thương cần chủ động chuẩn bị sẵn sàng các điều kiện thúc đẩy sản xuất kinh doanh, bảo đảm nguồn cung và lưu thông hàng hóa, giảm áp lực lạm phát. Đặc biệt, thông tin kịp thời, chính xác và rõ ràng các chính sách, giải pháp chỉ đạo, điều hành của Chính phủ nhằm loại bỏ thông tin sai lệch về giá cả thị trường, không để xảy ra hiện tượng lạm phát do tâm lý từ thông tin sai lệch gây ra.