Thống kê cho thấy thị trường “vàng đen” đã chứng kiến chuỗi chín phiên tăng liên tiếp lần đầu tiên kể từ tháng 9/2007 vào phiên 10/1.
Trong phiên đầu tuần (7/1) giá dầu phục hồi từ các mức thấp trong một năm rưỡi qua, nhờ việc Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) cắt giảm sản lượng và các thị trường chứng khoán ổn định hơn. Nhà chiến lược Olivier Jakob thuộc Petromatrix nhận định giá dầu đã lấy lại đà đi lên từ các mức giá rất thấp.
Nhật báo Phố Wall mới đây công bố một báo cáo cho thấy Saudi Arabia đang có kế hoạch cắt giảm xuất khẩu dầu thô xuống còn khoảng 7,1 triệu thùng/ngày vào cuối tháng 1/2019. OPEC và các nước đồng minh của tổ chức này đang nỗ lực khống chế sự gia tăng trong nguồn cung dầu trên toàn cầu. Sản lượng khai thác dầu trong tháng 12/2018 của OPEC đã giảm 460.000 thùng/ngày xuống 32,68 triệu thùng/ ngày, theo kết quả cuộc thăm dò mới đây của hãng tin Reuters.
Sang phiên giao dịch ngày 8/1, giá dầu thế giới tăng hơn 2% trước kỳ vọng nhu cầu dầu mỏ trên toàn cầu sẽ tăng nhanh hơn nếu cuộc đàm phán Mỹ - Trung có thể giải quyết được những bất đồng về thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới. Ngày 8/1, các quan chức Trung Quốc và Mỹ bước sang ngày họp hứ hai tại Bắc Kinh trong cuộc đàm phán nhằm chấm dứt tình trạng căng thẳng thương mại kéo dài giữa hai bên. Mặc dù đại diện của hai đoàn đàm phán chưa công bố chi tiết nội dung đàm phán tại Bắc Kinh, nhưng giới chức hai nước bày tỏ lạc quan về khả năng sẽ giải quyết được những bất đồng và hai bên sẽ tiếp tục cuộc đàm phán vào ngày 9/1.
Giá dầu tiếp tục tăng trong phiên giao dịch ngày 9/1 do báo cáo cho thấy lượng dầu dự trữ của Mỹ sụt giảm trong tuần trước. Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ cho biết dự trữ dầu thô thương mại của nước này đã giảm 1,7 triệu thùng trong tuần kết thúc vào ngày 4/1 xuống 439,7 triệu thùng. Ở mức 439,7 triệu thùng, dự trữ dầu thô của Mỹ tăng khoảng 8% so với mức trung bình 5 năm qua. Giá dầu cũng được hỗ trợ bởi thị trường chứng khoán lạc quan do các cuộc đàm phán thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc có những dấu hiệu tiến triển tích cực.
Trong phiên giao dịch ngày 10/1, giá dầu nối tiếp đà tăng nhờ những bình luận của Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã hỗ trợ các thị trường chứng khoán, nhưng đà khởi sắc kéo dài hơn một tuần qua của giá dầu đã chậm lại, khi tâm lý lạc quan xung quanh các cuộc đàm phán thương mại Mỹ-Trung cũng dần lắng xuống. Thời gian gần đây, các thị trường tài chính toàn cầu đều đi lên trước những kỳ vọng rằng Washington và Bắc Kinh sẽ đảo ngược khả năng nổ ra cuộc chiến thương mại toàn diện. Nhưng đà tăng trên các thị trường toàn cầu bắt đầu yếu đi sau khi hai nước đưa ra những lời tuyên bố dù tích cực nhưng còn mơ hồ và thiếu những chi tiết cụ thể.
Bước vào phiên cuối tuần (11/1), giá dầu giảm gần 2%, qua đó khép lại chuỗi chín phiên tăng liên tiếp giữa những lo ngại của giới đầu tư về sự giảm tốc của kinh tế toàn cầu. Chốt phiên này, giá dầu Brent giảm 1,2 USD (1,95%) xuống 60,48 USD/thùng; còn giá dầu WTI giảm 1 USD (1,9%) xuống 51,59 USD/thùng. Theo các chuyên gia, giới giao dịch đang gia tăng sự cẩn trọng sau khi các số liệu kinh tế gần đây làm dấy lên lo ngại về sự giảm tốc của kinh tế toàn cầu. Trung Quốc lên kế hoạch hạ dự báo tăng trưởng kinh tế 2019 xuống biên độ 6-6,5%, so với mức khoảng 6,5% của năm 2018.
Goldman Sachs mới đây đã hạ dự báo giá dầu Brent bình quân trong năm 2019 từ mức 70 USD/thùng xuống 62,5 USD/thùng do “các cơn gió ngược mạnh nhất về vĩ mô kể từ năm 2015”. Về phần mình, Societe Generale hạ dự báo giá dầu Brent từ 73 USD/thùng xuống 64 USD/thùng và giảm dự báo giá dầu WTI trong năm 2019 từ 66 USD/thùng xuống 57 USD/thùng.
S&P Global Ratings cũng đã hạ dự báo giá dầu bình quân trong năm 2019 khoảng 10 USD xuống 55 USD/thùng đối với dầu Brent và 50 USD/thùng cho dầu WTI. Trong khi đó, Arab Petroleum Investments Corp. (đặt trụ sở tại Saudi Arabia) ước tính giá dầu có thể giao dịch ở mức 60-70 USD/thùng vào giữa năm 2019.