Nguy cơ mất mùa rươi ở Hải Dương xuất hiện tại các vùng nước lợ ven các sông Thái Bình, Văn Úc và Kinh Thày thuộc các huyện Tứ Kỳ, Thanh Hà, Kim Thành và Kinh Môn. Tuy nhiên, rươi đang được khai thác chủ động theo mùa vụ tại một số xã Tứ Xuyên, An Thanh, Quang Trung, Nguyên Giáp (huyện Tứ Kỳ), xã Vĩnh Lập, Thanh Xuân (huyện Thanh Hà), xã Đại Đức, Tam Kỳ (huyện Kim Thành).
Riêng huyện Kinh Môn có tới 6 xã và thị trấn có rươi bao gồm: thị trấn Phú Thứ, thị trấn Minh Tân, các xã Tân Dân, Hiệp An, Minh Hòa và Thái Thịnh, nhưng rươi chỉ xuất hiện ít, sản lượng không đáng kể và chưa có hộ dân nào xây dựng bờ bao để nuôi và thu hoạch rươi. Hình thức khai thác rươi vẫn do các hộ dân chủ động và tự phát bằng cách đắp bờ tạo thành các ao/đầm và xây cống tại vùng đồng lúa, đồng cói hoặc bãi trống có rươi thường xuất hiện. Đến khi vào vụ thu hoạch rươi, lợi dụng dòng thủy triều rút, người dân đặt lưới tại cửa cống đón dòng rươi từ trong các ao/đầm đó. Tứ Kỳ là huyện nổi tiếng nhất với đặc sản rươi của tỉnh Hải Dương.
Ông Nguyễn Đình Tính, Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tứ Kỳ cho biết, Tứ Kỳ có 145,3 ha là diện tích các bãi khai thác rươi; trong đó, tập trung nhiều nhất ở xã An Thanh với diện tích trên 86 ha. Mọi năm, mỗi sào đất cho thu hoạch khoảng từ 15 - 17 kg rươi. Trung bình mỗi năm, các vùng rươi của Tứ Kỳ cho thu hoạch khoảng 43 - 45 tấn. Tuy nhiên, năm nay vào thời điểm đúng vụ, nhưng lượng rươi nổi rất ít. Năm nay có khả năng chỉ đạt sản lượng sẽ thấp hơn nhiều so với cùng kỳ bởi hàng năm lỗ rươi trên 1 m2 có thể đạt trung bình 500 lỗ nhưng năm nay chỉ đạt khoảng 200 lỗ/m2.
Anh Phan Văn Thắng, thôn An Định, xã An Thanh, huyện Tứ Kỳ cho biết: "Gia đình tôi có khoảng 5 mẫu có thể khai thác rươi. Riêng năm ngoái được mùa thì 1 sào đã cho thu hoạch khoảng 45 - 50 kg rươi. Nhưng năm nay, 2 con nước rồi nhưng gia đình mới thu hoạch được hơn 1 tạ rươi".
Theo tìm hiểu, đối với nước rươi tháng 9 (âm lịch) năm nay, nhiều gia đình thu hoạch kém hơn hẳn so với năm ngoái. Số lượng gia đình thu hoạch được hàng chục kg/sào rất ít, phần lớn chỉ thu hoạch được từ 15 - 20 kg, trong khi năm ngoái có thể thu hoạch được từ 45 - 50 kg.
Chị Đoàn Thị Tâm, người chuyên đi thu mua rươi để bán cho các đầu mối cho biết: "Tôi đi mua bán rươi đã được 5 - 6 năm nay rồi. Trung bình mỗi năm, chị thu mua được từ 2 - 3 tấn rươi, nhưng năm nay lượng rươi ít hơn mọi năm, nên từ đầu mùa đến nay, tôi mới chỉ mua được khoảng 5 tạ". Còn anh Phan Văn Thắng chia sẻ: "Hiện chúng tôi đang trông chờ vào hai con nước cuối cùng vào ngày 16/10 và 19/10 (âm lịch) xem rươi nổi nhiều không để khai thác. Nếu hai con nước này mà không có rươi thì vụ này coi như mất mùa”.
Ông Phạm Xuân Nhuận, Chủ tịch UBND xã An Thanh cho hay, xã An Thanh có hơn 80 ha đất cho khai thác rươi. Hàng năm, diện tích đất này luôn cho thu hoạch trên 30 tấn rươi, doanh thu khoảng 17 tỷ đồng. Vụ rươi năm nay dù đã qua hai lần khai thác (hai con nước) nhưng sản lượng sụt giảm mạnh.
Chia sẻ về nguyên nhân dẫn đến hiện tượng trên, theo ông Nhuận có thể là do thời tiết nắng nóng kéo dài hơn và con nước cũng kém hơn so với mọi năm. Cùng với đó, do bà con khai thác quá nhiều rươi ở vụ chiêm (khoảng từ tháng 1 - tháng 5), nên vụ này lượng rươi giảm sút và rươi nổi muộn hơn so với hàng năm.
Theo ông Nguyễn Đình Tính, Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tứ Kỳ, nguyên nhân dẫn đến hiện tượng sản lượng rươi sụt giảm do ô nhiễm nguồn nước sông. Nếu như cách đây khoảng 3 - 4 năm, lượng thủy sinh vật ở các cửa sông của Hải Dương có vào khoảng 200 loài, thì nay chỉ còn có 28 loài. Hiện nay, nhiều hộ dân mua phân gia súc, gia cầm ở các trang trại chăn nuôi về để bón cho đất bãi, nhằm mục đích tạo cho đất tơi xốp, tăng lượng thức ăn cho rươi. Tuy nhiên, tại các trang trại chăn nuôi hiện thường xuyên sử dụng thuốc sát trùng để khử trùng tiêu độc cho chuồng trại, nên lượng thuốc này có thể ngấm vào phân gia súc, gia cầm và khi bón xuống ruộng cũng gây ảnh hưởng xấu đến rươi.
Để phát triển bền vững vùng rươi, huyện Tứ Kỳ đã lập dự án xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật để phát triển và khai thác nguồn lợi thủy đặc sản con rươi, trình UBND tỉnh phê duyệt, với mức kinh phí đầu tư cho dự án khoảng 25 tỷ đồng. Dự án sẽ tập trung bê tông hóa đường trong các khu khai thác rươi; xây dựng, tu bổ và cải tạo hệ thống cống thủy lợi để điều tiết nước sông vào các vùng rươi; xây dựng hệ thống điện lưới; tập huấn cho các hộ dân cách sử dụng các chế phẩm sinh học có lợi cho môi trường nuôi rươi.