Loạt 3 bài về "Sức bật thị trường bán lẻ Thành phố Hồ Chí Minh" sẽ phản ánh khái quát những góc nhìn đối với thị trường đang rất sôi động này.
Bài 1: Doanh nghiệp nội chiếm ưu thế trong M&A
Từ đầu năm 2019 đến nay, thị trường bán lẻ Tp. Hồ Chí Minh sôi động hơn bao giờ hết với nhiều thương vụ mua bán - sáp nhập (M&A) giữa những thương hiệu trong và ngoài nước. Bên cạnh có, không ít thương mại bán lẻ còn tung ra các mô hình bán lẻ mới để tăng tiện ích cho khách hàng, góp phần thúc đẩy hạ tầng thương mại thành phố phát triển văn minh, hiện đại.
Thâu tóm mặt bằng bán lẻ
Ngay từ đầu năm 2019, các chuyên gia trong và ngoài nước đã dự báo thương vụ M&A tại Việt Nam sẽ tiếp tục tập trung nhiều vào ngành hàng tiêu dùng, bán lẻ. M&A có thể diễn ra với hình thức chuyển nhượng công ty sở hữu những thương hiệu địa phương lâu đời hoặc mới nổi, kèm theo đó là thị phần đối với một số chủng loại hàng hóa.
Ghi nhận trên thực tế, cuối tháng 6/2019, thương hiệu bán lẻ Auchan Reatil Việt Nam (Pháp) đã chính thức rút khỏi thị trường Việt Nam bằng thương vụ ký kết chuyển nhượng hoạt động cho Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại Tp. Hồ Chí Minh (Saigon Co.op).
Chia sẻ về thương vụ này, cũng như việc rút khỏi thị trường Việt Nam, ông Philippe Courbois Tổng giám đốc Auchan Retail Việt Nam đánh giá Saigon Co.op là một thương hiệu bán lẻ mạnh và uy tín, nên Auchan Retail Việt Nam đã lựa chọn chuyển giao thương hiệu. Song song đó, Auchan Việt Nam cũng đã tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các bước tiếp theo của quá trình chuyển giao hoạt động.
Theo đó, Saigon Co.op nhận chuyển giao tất cả hoạt động Auchan tại Việt Nam, gồm: 15 cửa hàng hoạt động bán lẻ và cả kênh thương mại điện tử. Saigon Co.op tiếp tục duy trì thương hiệu Auchan cho đến hết tháng 2/2020. Ông Nguyễn Anh Đức, Phó Tổng giám đốc thường trực Saigon Co.op chia sẻ, những cửa hàng Auchan tại Tp. Hồ Chí Minh, Hà Nội và Tây Ninh sẽ được chọn lọc để khai trương lại và chuyển đổi sang thương hiệu bán lẻ của Saigon Co.op như Co.opmart, Co.opXtra hoặc Finelife.
Ông Nguyễn Anh Đức cũng cho biết, việc tiếp quản Auchan Việt Nam khẳng định sự phát triển mạnh mẽ của Saigon Co.op trong lĩnh vực thương mại hiện đại và thể hiện trách nhiệm của Saigon Co.op đối với người tiêu dùng Việt Nam. Đồng thời, cũng thể hiện sự chuẩn mực phát triển của Saigon Co.op về chất lượng và uy tín trong thời gian qua.
Tương tự, mới đây 8 siêu thị Queenland Mart chính thức sáp nhập vào hệ thống VinMart và VinMart+ từ đầu tháng 9/2019. Chuỗi hệ thống siêu thị Queenland Mart thuộc Công ty cổ phần thực phẩm Bông Sen được thành lập vào năm 2014 với ngành nghề kinh doanh chính là kinh doanh hệ thống siêu thị, bán lẻ. Tham gia thị trường bán lẻ khá muộn, nên chiến lược phát triển của Queenland Mart là tập trung mở trong những chung cư, khu căn hộ, dân cư cao cấp… chủ yếu ở quận 7, quận 2...
Với việc sáp nhập chuỗi hệ thống siêu thị Queenland Mart, quy mô của hệ thống siêu thị VinMart sẽ đạt 120 siêu thị trên toàn quốc, tại thị trường miền Nam sẽ đạt con số là 52 siêu thị; đáp ứng phần nào nhu cầu mua sắm tiêu dùng của người dân khu vực phía Nam. Ngoài ra, những mặt bằng của Queenland Mart được đánh giá cao cấp, đắt đỏ tại Tp. Hồ Chí Minh, nên mang lại thêm nhiều lợi thế cạnh tranh cho VinMart và VinMart+. Trước Queenland Mart, VinMart và VinMart+ đã thực hiện những thương vụ hoạt động M&A lớn như mua lại hệ thống Fivimart, 87 cửa hàng Shop&Go.
Thống kê hiện nay trên địa bàn Tp. Hồ Chí Minh có 206 siêu thị, 49 trung tâm thương mại và khoảng 2.651 cửa hàng tiện lợi; trong đó, hệ thống siêu thị trong nước chiếm ưu thế về số lượng điểm bán với tỷ trọng khoảng 75%, các chuỗi cửa hàng tiện lợi trong nước cũng đang chiếm tỷ trọng cao với mức trên 67%.
Thương hiệu nội vượt trội
Theo thống kê, một trong những thương hiệu dẫn đầu là Saigon Co.op không chỉ tăng cường mở rộng hệ thống bán lẻ tại Tp. Hồ Chí Minh mà đã phủ sóng hơn 700 siêu thị, trung tâm thương mại lớn nhỏ rộng khắp trên cả nước. Bên cạnh đó, ước tính hệ thống bán lẻ của Saigon Co.op đón tiếp hơn 1 triệu lượt khách tham quan mua sắm mỗi ngày, đạt doanh thu hơn 30.000 tỷ đồng trong năm qua. Như vậy, từ doanh thu chưa đến 1 tỷ đồng tại thời điểm thành lập, đến nay con số này của Saigon Co.op đã tăng hơn 30.000 lần sau 30 năm hoạt động.
Trên hành trình phát triển, nhận thức được tầm quan trọng của hoạt động bán lẻ, Saigon Co.op đã chủ động nghiên cứu học tập kinh nghiệm của hệ thống siêu thị KF (Thụy Điển), NTUC Fair Price (Singapore), Co.op (Nhật Bản) để tạo ra một hệ thống siêu thị mang nét đặc trưng của phương thức hợp tác xã tại Tp. Hồ Chí Minh nói riêng và cả nước nói chung. Trong giai đoạn hội nhập, Saigon Co.op đã tái cấu trúc về tổ chức và nhân sự, tập trung mọi nguồn lực để đầu tư mạnh cho hoạt động bán lẻ.
Cũng là một trong những hệ thống bán lẻ mạnh mang thương hiệu nội địa, hệ thống VinMart và VinMart+ tiếp tục giữ vững vị trí đứng số 1 về độ phủ điểm bán tại Việt Nam. Không chỉ vậy, VinMart và VinMart+ còn liên tục nâng cao chất lượng siêu thị, trải nghiệm người dùng, tiếp tục khẳng định vị thế số 1 của mình bằng chiến lược nhằm xây dựng mạng lưới chuỗi cung ứng VinCommerce theo tiêu chuẩn thế giới.
Mới đây, trong khuôn khổ hội thảo New Wave of Retail - Làn sóng Bán lẻ mới tổ chức tại Tp.Hồ Chí Minh, Công ty Cổ phần Vincom Retail công bố 3 Đại Trung tâm thương mại mới gồm Vincom Mega Mall Ocean Park, Vincom Mega Mall Smart City (tại Hà Nội) và Vincom Mega Mall Grand Park (tại Tp. Hồ Chí Minh). Đây là mô hình đại trung tâm thương mại mới với “Thiết kế xanh”, “Vận hành Thông minh” đạt tiêu chuẩn quốc tế, đặc biệt tập trung vào mang tới những trải nghiệm mới, nhiều tiềm năng phát triển nhất tại thị trường Việt Nam. Dự kiến các trung tâm thương mại này chính thức ra mắt vào năm 2020.
Còn hệ thống bán lẻ thuộc Tổng công ty thương mại Sài Gòn - Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên (Satra), hiện tại đã phát triển 226 cửa hàng thực phẩm tiện lợi Satra Foods, trung tâm thương mại Satra, siêu thị Tax, hệ thống Satra Bakery & Cafe... Đặc biệt, hệ thống bán lẻ của Satra không chỉ tập trung ở khu vực thành thị, mà còn chú trọng mở rộng các khu vực vùng sâu, vùng xa và nhiều tỉnh, thành như Centre Mall Củ Chi, Satra Cần Thơ...
Theo bà Nguyễn Huỳnh Trang, Phó Giám đốc Sở Công Thương Tp. Hồ Chí Minh, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ trên địa bàn thành phố đạt mức tăng cao. Cụ thể, động lực phát triển thị trường bán lẻ của thành phố đến từ hai yếu tố cốt lõi, đó là tốc độ tăng trưởng kinh tế và chỉ số niềm tin của người tiêu dùng.
Đồng quan điểm, một số chuyên gia cho rằng, nhiều ngành hàng tiêu dùng thiết yếu đã tạo động lực đòn đẩy để kích thích sản xuất, đóng góp cho sự tăng trưởng về doanh thu bán lẻ trên thị trường thành phố. Tuy nhiên, không thể không kể đến những nỗ lực không ngừng của nhiều thương hiệu bán lẻ nội địa đã vươn lên chinh phục thị trường và giữ vững thị phần trên sân nhà.
Xu thế này phù hợp với định hướng Quy hoạch phát triển ngành thương mại Tp. Hồ Chí Minh đến năm 2025, định hướng năm 2030. Với những mục tiêu cụ thể như tỷ trọng bán lẻ hàng hóa theo các loại hình phân phối hiện đại (trung tâm thương mại, siêu thị...) đến năm 2020 đạt tối thiểu 40%, năm 2025 đạt 50% và năm 2030 đạt 60%. Đặc biệt, hình thành mạng lưới trung tâm logistics trung chuyển, cung cấp hàng hóa, sớm đưa thành phố trở thành Trung tâm giao dịch thương mại quan trọng ở khu vực Đông Nam Á.
Bài 2: Bứt phá trong mô hình bán lẻ hiện đại