Giá vàng ít biến động trước khi Mỹ công bố số liệu lạm phát
Giá vàng ít thay đổi trong phiên chiều 29/2, khi giới giao dịch án binh trước khi số liệu lạm phát của Mỹ được công bố. Vào lúc 14 giờ 01 phút theo giờ Việt Nam, giá vàng giao ngay ở mức 2.036,42 USD/ounce, trong khi giá vàng kỳ hạn tăng 0,1% lên 2.045 USD/ounce.
Chỉ số chi tiêu tiêu dùng cá nhân (PCE), thước đo lạm phát ưa thích của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed), sẽ được công bố lúc 20 giờ 30 phút theo giờ Việt Nam.
Tuần này, các quan chức Fed cho biết lạm phát vẫn còn khá xa mức mục tiêu 2%, nhưng vẫn có khả năng ngân hàng này hạ lãi suất, có thể trong năm nay. Lãi suất giảm sẽ làm tăng sức hấp dẫn của vàng. Sẽ có thêm ít nhất bảy quan chức Fed nữa phát biểu trong hai ngày 29/1 và 1/3.
Giới giao dịch dự đoán Fed sẽ hạ lãi suất ba lần trong năm nay, thay vì năm lần như dự đoán một tháng trước. Thời điểm được dự đoán sẽ diễn ra đợt hạ lãi suất đầu tiên cũng được lùi từ tháng Năm sang tháng Sáu.
Chỉ số đồng USD đo sức mạnh của đồng bạc xanh so với rổ các đồng tiền chủ chốt đã tăng 0,6%, và lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm đã tăng 0,3 điểm phần trăm trong tháng này. Đồng USD mạnh lên khiến vàng trở nên đắt đỏ hơn đối với người mua nắm giữ các đồng tiền khác, còn lợi suất trái phiếu tăng sẽ làm tăng chi phí cơ hội của việc nắm giữ vàng.
Giá dầu giảm trước những lo ngại về nhu cầu
Giá dầu giảm trong phiên giao dịch chiều 29/2, sau khi lượng dầu thô tăng mạnh hơn dự đoán đã làm dấy lên những lo ngại về nhu cầu giảm tốc, trong khi các dấu hiệu cho thấy lãi suất tại Mỹ có thể vẫn được duy trì ở mức cao cũng gây áp lực lên thị trường “vàng đen”.
Vào lúc 15 giờ 30 phút theo giờ Việt Nam, giá dầu Brent giao tháng Tư giảm 43 xu Mỹ, hay 0,5%, xuống 83,25 USD/thùng, trong khi giá dầu thô ngọt nhẹ Mỹ (WTI) giảm 26 xu Mỹ, hay 0,3%, xuống 78,28 USD/thùng.
Theo Cơ quan Thông tin năng lượng Mỹ (EIA), lượng dầu thô dự trữ của nước này đã tăng tuần thứ năm liên tiếp, với mức tăng 4,2 triệu thùng lên 447,2 triệu thùng trong tuần trước, tăng mạnh hơn so với dự đoán tăng 2,7 triệu thùng của giới phân tích.
Ông Satoru Yoshida, chuyên gia phân tích hàng hóa của công ty Rakuten Securities, cho biết lượng dầu dự trữ cao sẽ khiến giới đầu tư lo ngại hơn về sự giảm tốc của nền kinh tế cũng như nhu cầu dầu tại Mỹ.
Chuyên gia này cũng cho rằng dự đoán thời điểm hạ lãi suất của Mỹ bị lùi lại cũng đang ảnh hưởng đến tâm lý thị trường vì nó có thể làm giảm nhu cầu dầu. Lãi suất cao thường kìm hãm tăng trưởng kinh tế và giảm nhu cầu dầu.
Thị trường “vàng đen” cũng đang theo dõi khả năng Tổ chức các Nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các nước đồng minh, hay còn gọi là OPEC+, kéo dài các mức cắt giảm sản lượng hiện tại, điều đã giúp hạn chế đà giảm của giá dầu ở thời điểm này.
Thị trường chứng khoán biến động trái chiều
Các thị trường chứng khoán châu Á biến động trái chiều trong phiên giao dịch chiều 29/2, giữa lúc giới đầu tư đang chờ đợi số liệu lạm phát của Mỹ để tìm kiếm manh mối về thời điểm Fed hạ lãi suất.
Khép lại phiên này, chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản giảm 0,1% xuống 39.166,19 điểm, sau khi số liệu cho thấy sản lượng công nghiệp của nước này ghi nhận mức giảm mạnh nhất kể từ tháng 5/2020 trong tháng Một, dù doanh số bán lẻ cao hơn dự đoán.
Trong khi đó, tại Trung Quốc, chỉ số Hang Seng ở Hong Kong tăng 0,4% lên 16.604,18 điểm, và chỉ số Shanghai Composite ở Thượng Hải ghi thêm 1,9% lên 3.012,68 điểm, sau khi giới chức nước này đưa ra các biện pháp mới để hỗ trợ thị trường. Nhưng cổ phiếu của công ty dịch vụ công nghệ Baidu lại giảm 6,9% sau khi báo cáo lợi nhuận giảm 48% trong quý IV/2023.
Giới đầu tư đang tỏ ra thận trọng trước khi chỉ số PCE của Mỹ được công bố trong cùng ngày. Ông Kyle Rodda, chuyên gia phân tích thị trường cấp cao của công ty Capital.com, cho biết chỉ số PCE được dự đoán sẽ diễn biến theo hướng tích cực, và giới đầu tư cần cảm nhận điều này trước khi đổ tiền vào các loại tài sản rủi ro hơn.
Tại Việt Nam, chỉ số VN-Index giảm 1,09 điểm, hay 0,09%, xuống 1.253,46 điểm, còn chỉ số HNX-Index tăng 0,17 điểm, hay 0,07 điểm, lên 235,34 điểm.