Vào lúc 1 giờ 52 phút sáng ngày 28/2 theo giờ Việt Nam, giá vàng giao ngay hầu như không biến động, ở mức 2.031,77 USD/ounce, trong khi giá vàng kỳ hạn tăng 0,3% và đóng phiên ở mức 2.044,10 USD/ounce.
Chỉ số đồng USD đo sức mạnh của “đồng bạc xanh” so với rổ các đồng tiền chủ chốt giảm, khiến vàng trở nên rẻ hơn đối với người mua nắm giữ các đồng tiền khác.
Ông Phillip Streible, trưởng bộ phận chiến lược thị trường của công ty Blue Line Futures ở Chicago, dự đoán số liệu lạm phát nếu tăng nhẹ sẽ gây áp lực lên thị trường vàng, nhưng kim loại quý này đang được hỗ trợ tốt ở ngưỡng 2.000 USD/ounce nhờ hoạt động mua vào của các ngân hàng trung ương.
Ít nhất 10 quan chức Fed dự kiến sẽ phát biểu trong tuần này, trong khi chỉ số giá chi tiêu tiêu dùng cá nhân lõi, thước đo lạm phát yêu thích của Fed, sẽ được công bố trong ngày 29/2. Các phát biểu gần đây từ các quan chức Fed cho thấy ngân hàng này không vội hạ lãi suất.
Ông Ole Hansen, người đứng đầu mảng chiến lược hàng hóa của ngân hàng Saxo Bank, cho biết giá vàng đang được hưởng lợi khi tầng lớp trung lưu ở Trung Quốc đang tìm đến với kim loại quý này để “bảo toàn giá trị tài sản đang sụt giảm do cuộc khủng hoảng bất động sản và tình trạng bán tháo kéo dài trên thị trường chứng khoán nước này”.
Số liệu chính thức cho thấy lượng vàng nhập khẩu ròng của Trung Quốc thông qua Hong Kong (Trung Quốc) trong tháng Một đã chạm mức cao nhất kể từ giữa năm 2018.
Trên thị trường các kim loại quý khác, giá bạch kim tăng 1,3% lên 891,03 USD/ounce, trong khi giá bạc đi ngang ở mức 22,50 USD/ounce.
Vào cuối giờ chiều ngày 27/2, Công ty Vàng Bạc Đá Quý Sài Gòn niêm yết giá vàng SJC tại Hà Nội ở mức 76,90 - 78,92 triệu đồng/lượng (mua vào/bán ra).