Báo cáo PCI năm 2020 do VCCI phối hợp với Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) công bố ngày 15/4 cho biết: Khảo sát PCI được xây dựng dựa trên sự phản hồi của gần 12.300 doanh nghiệp, nhiều doanh nghiệp cho biết, số lần tiếp đón đoàn thanh, kiểm tra của một số cơ quan hải quan, công an kinh tế, môi trường đã giảm khoảng 50% so với năm 2016.
"Những cơ quan thường kiểm tra doanh nghiệp nhiều nhất như ngành Thuế; an toàn phòng chống cháy nổ đã có xu hướng giảm. Nếu như năm 2016, có 34,4% doanh nghiệp cho biết, phải đón tiếp đoàn thanh, kiểm tra về an toàn phòng chống cháy nổ thì năm 2020 chỉ còn 26,1%. Tương tự năm 2020, tỷ lệ doanh nghiệp bị cơ quan thuế thanh kiểm tra là 35,5%, trong khi năm 2016 tỷ lệ này là 43,6%", ông Đậu Anh Tuấn - Trưởng ban Pháp chế (VCCI), Giám đốc dự án PCI cho biết.
Theo VCCI, tỷ lệ doanh nghiệp bị thanh, kiểm tra trùng lặp giảm đáng kể xuống còn 8,3% năm 2020 từ con số 14,1% của năm 2016; tỷ lệ doanh nghiệp bị thanh tra, kiểm tra từ 5 cuộc/năm trở lên giảm từ 11,9% năm 2016 xuống còn 3% năm 2020. Qua điều tra, thiều doanh nghiệp trả lời, số cán bộ lợi dụng công tác thanh, kiểm tra để nhũng nhiễu doanh nghiệp đã giảm từ con số 18,9% của năm 2017 xuống còn 14,3% năm 2020.
Tuy nhiên, VCCI nhận được nhiều phản ánh nhất là hiện tượng nhũng nhiễu trong thanh, kiểm tra trong lĩnh vực xây dựng. Qua đó cho thấy, công tác thanh, kiểm tra doanh nghiệp cần phải tiếp tục có những cải cách mạnh mẽ hơn trong thời gian tới nhằm đảm bảo gánh nặng thanh, kiểm tra được giảm thiểu hợp lý, phân bố công bằng; không mang tính tùy tiện hoặc tạo kẽ hở cho tiêu cực. Phía chính quyền các tỉnh cần triệt để giao nhiệm vụ cho cơ quan thanh tra tỉnh làm đầu mối kiểm soát các hoạt động thanh, kiểm tra doanh nghiệp của các cơ quan tại địa phương. Thậm chí, các cơ quan Trung ương khi lên kế hoạch thanh, kiểm tra doanh nghiệp cũng cần thông báo và phối hợp chặt chẽ với cơ quan thanh tra tỉnh.
“Mọi cuộc thanh tra theo kế hoạch nên được thông báo trước cho cơ quan thanh tra cấp tỉnh để sắp xếp và bố trí nhằm đạt 3 mục tiêu: Thứ nhất, giảm số lần và thời gian thanh tra; thứ hai, không thanh, kiểm tra trùng lặp nội dung giữa các cơ quan, đoàn thanh, kiểm tra; thứ ba, tăng tối đa số đoàn liên ngành, thay vì mỗi đơn vị tiến hành riêng lẻ. Cần đảm bảo nội dung thanh tra, kiểm tra phải giới hạn trong phạm vi quản lý nhà nước được giao, theo đúng tinh thần Chỉ thị 20/2017/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Các cơ quan quản lý Nhà nước cần nhanh chóng chuyển hẳn sang việc thanh, kiểm tra dựa trên cơ sở quản lý rủi ro trong chấp hành pháp luật ở tất cả các ngành, lĩnh vực", ông Đậu Anh Tuấn nhấn mạnh.