Theo bà Phạm Thị Ngọc Đào, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Đồng Tháp, năm 2019, Đồng Tháp giữ vị trí Á quân về Chỉ số PCI và cũng là năm thứ 12 liên tiếp địa phương nằm trong nhóm 5 tỉnh, thành phố có chỉ số PCI dẫn đầu của cả nước. Đạt được kết quả trên là do nhiều năm qua tỉnh luôn kiên định với chủ trương, định hướng là “đồng hành cùng doanh nghiệp”, “lấy sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp làm thước đo hiệu quả công việc của bộ máy công quyền”.
Trong nỗ lực xây dựng chính quyền thân thiện, đồng hành cùng doanh nghiệp, Đồng Tháp luôn quan tâm nội dung sáng kiến, chỉ đạo của cấp tỉnh có chuyển tải đến được các cấp sở, ngành, địa phương hay không.
Cụ thể, từng cán bộ, công chức, viên chức phải thẩm thấu tinh thần phục vụ của lãnh đạo tỉnh, luôn đặt mình vào vị trí của doanh nghiệp khi thực hiện nhiệm vụ của mình, xem việc tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp cũng chính là tháo gỡ khó khăn cho nền kinh tế của địa phương.
Xây dựng chính quyền đồng hành cùng doanh nghiệp, phục vụ nhân dân cũng là phương châm hành động nhất quán, xuyên suốt của tỉnh Vĩnh Long. Theo đó, tỉnh chú trọng tăng cường trách nhiệm, tính chủ động của các cơ quan, đơn vị để thay đổi rõ nét hơn nhận thức của cán bộ, công chức, viên chức; chuyển đổi cách làm từ hành chính sang phục vụ.
Ngoài ra, tỉnh không ngừng cải tiến, nâng cao chất lượng phục vụ trong công tác đăng ký kinh doanh. Đến nay, Vĩnh Long đã rút ngắn thời gian đăng ký thành lập doanh nghiệp chỉ còn 0,76 ngày; thời gian trung bình đăng ký, thông báo thay đổi là 0,32 ngày so với quy định là 3 ngày.
Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long Lữ Quang Ngời khẳng định, tỉnh xác định con người là một trong những yếu tố quan trọng góp phần cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh. Bên cạnh đó còn là sự minh bạch, rõ ràng trong tiếp cận thông tin, thuế, giải quyết thủ tục hành chính…cho doanh nghiệp, qua đó hạn chế tình trạng gây phiền hà, nhũng nhiễu trong quá trình thực hiện của cán bộ, công chức, viên chức.
Theo ông Nguyễn Hữu Lập, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre, thiết chế pháp lý và an ninh trật tự cũng là khâu rất quan trọng. Trong quá trình mời gọi đầu tư, quá trình doanh nghiệp phát triển kinh doanh, sản xuất trên địa bàn, cùng với việc tạo mọi điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp triển khai nhanh dự án thì các các ngành bảo vệ pháp luật cũng quan tâm bảo vệ quyền lợi chính đáng của doanh nghiệp, giải quyết nhanh khi xảy ra tranh chấp. Nhờ thực hiện tốt vấn đề này mà Bến Tre được doanh nghiệp tin tưởng vào khả năng bảo vệ của pháp luật về quyền tài sản và thực thi hợp đồng thời gian qua.
Chia sẻ về mô hình "Bác sỹ doanh nghiệp" đang được thực hiện ở Bắc Ninh trong tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp, ông Nguyễn Phương Bắc, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Bắc Ninh cho biết, qua khảo sát, khi doanh nghiệp gặp phải vướng mắc, sau một vòng luẩn quẩn, cuối cùng doanh nghiệp vẫn phải trở về nơi gây vướng mắc để giải quyết dù đã kiến nghị nhiều nơi.
Mô hình "Bác sỹ doanh nghiệp" ra đời để góp phần giải quyết tình trạng này. Theo đó, mô hình hình thành nên một bộ phận chuẩn đoán khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp, hoạt động độc lập và trực thuộc Chủ tịch UBND tỉnh.
Cụ thể, mô hình thành lập một tổ công tác hỗ trợ doanh nghiệp do Chủ tịch UBND tỉnh là Tổ trưởng; tổ công tác hỗ trợ doanh nghiệp là lãnh đạo các sở, ngành có liên quan; bộ phận "bác sỹ" được lựa chọn từ những người tốt nhất thuộc Trung tâm xúc tiến đầu tư và hỗ trợ doanh nghiệp tỉnh. Hình thức doanh nghiệp phản ánh khó khăn, vướng mắc có thể là nhắn tin, email và không nhất thiết bằng văn bản. Sau đó bộ phận “bác sỹ” sẽ xuống tận nơi tìm hiểu, tập hợp dữ liệu để giải quyết.
Theo ông Nguyễn Phương Bắc, có những vấn đề doanh nghiệp gặp khó khăn nhưng không cần phải giải quyết hành chính hóa, chỉ cần liên hệ trực tiếp với Giám đốc sở trong tổ công tác hỗ trợ doanh nghiệp là đã giải quyết được vấn đề. Có thể nói, mô hình này giải quyết được hết các “bệnh nhẹ” như những vướng mắc về tính chất thủ tục, sự thống nhất giữa các ngành chưa cao…
Ông Đậu Anh Tuấn - Trưởng Ban Pháp chế VCCI, Giám đốc Dự án PCI cho rằng, khai thác hiệu quả Trung tâm phục vụ hành chính công của tỉnh là một trong những cách làm mà nhiều địa phương triển khai để nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh đạt kết quả cao thời gian qua. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện các địa phương cần quân tâm đến chất lượng cán bộ tại các trung tâm hành chính công.
Chia sẻ kinh nghiệm thực tế qua tìm hiểu mô hình này tại Quảng Ninh, ông Đậu Anh Tuấn cho biết, thông thường các sở, ngành cử cán bộ đến làm việc tại Trung tâm phục vụ hành chính công của tỉnh có chất lượng không cao. Từ đó, phục vụ người dân, doanh nghiệp chưa thật sự hiệu quả.
Riêng ở Quảng Ninh, thường là cấp Phó trưởng Phòng trở lên mới được điều đến Trung tâm phục vụ hành chính công để phục vụ người dân, doanh nghiệp. Ngoài ra, tỉnh Quảng Ninh cũng có chính sách khi cán bộ được bổ nhiệm lên giữ vị trí cao hơn phải có thời gian phục vụ tại Trung tâm hành chính công, từ đó khuyến khích cán bộ đến Trung tâm công tác.
Theo Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, từ PCI nhiều mô hình cải cách, bài học thành công được tìm ra và nhân rộng trên toàn quốc. Tiêu biểu như: mô hình nâng cao hiểu quả thực thi thông qua sáng kiến đánh giá năng lực cấp sở, ngành, huyện thị (DDCI) đã được nhân rộng tới hơn 50 tỉnh, thành phố; mô hình Café doanh nhân được nhân rộng ra 40 tỉnh, thành phố. Ngoài ra, nhiều tỉnh, thành còn ứng dụng công nghệ thông tin để thực thi hiệu quả công việc; xây dựng hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo.
Bài cuối: Những vấn đề cần cải thiện