Điểm số chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) trung bình của ĐBSCL trong 5 năm trở lại đây (2015-2019) đã có sự cải thiện và liên tục cao hơn mức trung bình cả nước. Điều này cho thấy, các tỉnh ĐBSCL đang chú trọng đến việc cải thiện chất lượng điều hành kinh tế, hòa cùng với xu hướng chung của các tỉnh, thành phố trên cả nước.
Trong cải thiện môi trường kinh doanh, ĐBSCL đã có nhiều nỗ lực đáng kể qua các năm và có nhiều địa phương nằm trong nhóm các tỉnh, thành phố có chất lượng điều hành kinh tế dẫn đầu của cả nước.
ĐBSCL tuy chỉ chiếm khoảng 18% dân số, 12% diện tích của cả nước nhưng đã đóng góp lớn vào nền kinh tế của Việt Nam, nhất là về lĩnh vực nông nghiệp. Cụ thể, khu vực này đóng góp hơn 50% sản lượng lương thực cả nước; trong đó, chiếm 90% sản lượng lương thực xuất khẩu; 65% sản lượng thủy sản xuất khẩu... Tốc độ tăng trưởng kinh tế trung bình của các tỉnh ĐBSCL đạt khá cao so với bình quân cả nước, riêng năm 2019 là 8,1% so với cả nước là 7,02%.
Theo Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), trong 5 năm qua, điểm số PCI trung bình của ĐBSCL liên tục cao hơn mức điểm số PCI trung bình cả nước và đứng đầu rất nhiều chỉ số so với các vùng miền khác. Xu hướng nhóm xếp hạng điều hành kinh tế PCI của 13 tỉnh ĐBSCL trong 5 năm qua cũng có sự cải thiện, giảm dần số lượng tỉnh ở nhóm điều hành kinh tế trung bình, không còn tỉnh nào ở nhóm xếp hạng tương đối thấp và tăng dần số lượng tỉnh ở nhóm điều hành kinh tế khá, tốt và rất tốt.
Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Võ Tân Thành cho biết, nếu như vào năm 2015, ĐBSCL chỉ có 1 tỉnh đứng ở nhóm điều hành kinh tế rất tốt và 1 tỉnh ở nhóm điều hành kinh tế tương đối thấp, thì đến năm 2019, khu vực này đã có 2 tỉnh được xếp vào nhóm điều hành kinh tế rất tốt của cả nước, 5 tỉnh ở nhóm điều hành kinh tế khá, 3 tỉnh ở nhóm trung bình và không còn tỉnh nào ở nhóm xếp hạng tương đối thấp.
Cụ thể, 5 tỉnh của ĐBSCL liên tục được ghi nhận trong nhóm điều hành kinh tế rất tốt và tốt của cả nước vào năm 2019 là Đồng Tháp, Long An, Bến Tre, Vĩnh Long và thành phố Cần Thơ. Trong đó, Đồng Tháp ghi nhận liên tục nằm trong nhóm 3 tỉnh, thành phố đứng đầu cả nước, riêng năm 2019 tiếp tục nắm giữ vững vị trí thứ 2 của bảng xếp hạng PCI cả nước, tăng 1,91 điểm so với năm 2018.
Đối với Vĩnh Long, kết quả PCI trong những năm qua, gần nhất là năm 2019, có thể thấy hầu hết các chỉ số thành phần của tỉnh đều có bước nhảy vượt bật về điểm số và thứ hạng. Lần đầu tiên trong 5 năm qua, Vĩnh Long đạt tổng điểm trên 70 điểm và có 9/10 chỉ số tăng điểm so với năm 2018, trong đó có những chỉ số thành phần rất cao như: Tiếp cận đất đai, chi phí không chính thức, chi phí thời gian...
Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long Lữ Quang Ngời cho biết, Vĩnh Long xếp ở vị trí thứ 3 trong bảng xếp hạng PCI 2019 là do những bước tiến mạnh mẽ trong việc nâng cao chất lượng cải cách hành chính tại địa phương và tạo thuận lợi cho doanh nghiệp gia nhập thị trường. Ngoài ra, Vĩnh Long được các doanh nghiệp đánh giá cao nhất trên cả nước về những thuận lợi trong tiếp cận đất đai và những nỗ lực cắt giảm chi phí không chính thức.
Bên cạnh đó, Bến Tre và Long An là 2 tỉnh vẫn duy trì nhóm xếp hạng điều hành kinh tế tốt. Thành phố Cần Thơ từ nhóm xếp hạng điều hành kinh tế khá vào năm 2017 đã vươn lên nhóm xếp hạng điều hành kinh tế tốt vào năm 2018 và tiếp tục được duy trì vào năm 2019. Riêng các tỉnh Bạc Liêu, Sóc Trăng và Trà Vinh; mặc dù, có sự cải thiện về điểm số PCI nhưng vẫn duy trì ở nhóm điều hành kinh tế trung bình.
Ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng Ban pháp chế VCCI, Giám đốc dự án PCI cho rằng, kết quả PCI năm 2019 tiếp tục ghi nhận những lợi thế của các tỉnh ĐBSCL. Đó là sự năng động của chính quyền địa phương trong việc tháo gỡ kịp thời những khó khăn đến doanh nghiệp; môi trường kinh doanh bình đẳng, các thành phần kinh tế được đối xử công bằng trong quá trình hoạt động kinh doanh.
Bên cạnh đó, chi phí thời gian khi giải quyết thủ tục hành chính được cải thiện đáng kể; việc tiếp cận thông tin, tài liệu chính sách khá thuận lợi và công bằng; tiếp cận đất đai, mặt bằng kinh doanh ít gặp phải trở ngại. Ngoài ra, khu vực này đã có sự cải thiện về chi phí không chính thức khi thực hiện các thủ tục hành chính và thiết chế pháp lý được củng cố và an ninh trật tự khá ổn định.
Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Võ Tân Thành khẳng định, Đồng bằng sông Cửu Long được đánh giá có năng lực điều hành ổn định, bền vững, kết hợp cùng điều kiện tự nhiên thuận lợi, hướng đến mục đích trở thành vùng kinh tế năng động, hiện đại đóng góp lớn vào nền kinh tế của đất nước.
Bài 2: Thúc đẩy những mô hình cải cách