Tận dụng lợi thế, nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam

Nhiều cử tri là chủ doanh nghiệp ở Đồng Nai bày tỏ phấn khởi khi Quốc hội phê chuẩn 2 Hiệp định EVFTA và EVIPA.

Sáng 8/6, tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết phê chuẩn Hiệp định Thương mại Tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA) và Nghị quyết phê chuẩn Hiệp định Bảo hộ đầu tư giữa một bên là Việt Nam và một bên là Liên minh châu Âu và các nước thành viên Liên minh châu Âu (EVIPA). Nhiều cử tri là chủ doanh nghiệp ở Đồng Nai bày tỏ phấn khởi khi Quốc hội phê chuẩn 2 Hiệp định này.  

Chú thích ảnh
 457/457 Đại biểu Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết phê chuẩn Hiệp định Thương mại Tự do giữa CHXHCN Việt Nam và Liên minh Châu Âu (EVFTA). Ảnh: Dương Giang/TTXVN

Ông Nguyễn Ngọc Tuấn, Giám đốc Công ty TNHH Thuế - Kế toán – Luật Việt Á (thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai) cho biết: Hiệp định EVFTA và Hiệp định EVIPA có ý nghĩa rất quan trọng, chứng tỏ Việt Nam ngày một hội nhập sâu vào nền kinh tế thế giới. Liên minh châu Âu và các nước thành viên Liên minh châu Âu coi trọng, đánh giá cao, thấy được những tiềm năng trong phát triển kinh tế của Việt Nam.

Trong Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á, Việt Nam là một trong 2 nước xuất khẩu nhiều nhất vào Liên minh châu Âu (EU). Việc Quốc hội phê chuẩn 2 Hiệp định nêu trên giúp Việt Nam giảm lệ thuộc xuất khẩu vào các nước khác và tận dụng lợi thế tự chủ để tăng cường xuất khẩu vào EU, đặc biệt là ngành giày da, may mặc và nông nghiệp. Tham gia vào EVFTA và EVIPA còn góp phần thúc đẩy Việt Nam tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh gần hơn với thông lệ quốc tế.

Theo ông Nguyễn Ngọc Tuấn, để tận dụng những lợi thế mà EVFTA và EVIPA mang lại, doanh nghiệp trong nước phải chủ động tìm hiểu các quy định, cam kết trong các hiệp định nêu trên; đồng thời, nâng cao năng lực tư duy lãnh đạo, năng lực quản lý để tăng năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp. Các Bộ, ngành Trung ương cần có hướng dẫn, tuyên truyền rộng rãi về Hiệp định EVFTA và Hiệp định EVIPA, qua đó giúp doanh nghiệp tận dụng lợi thế ngành hàng. Cơ quan chức năng cần sửa đổi, bổ sung các luật định liên quan, đảm bảo hài hòa lợi ích giữa các loại hình doanh nghiệp.

Ông Đặng Tường Khanh - Giám đốc Công ty Ca cao Trọng Đức (huyện Định Quán, tỉnh Đồng Nai) cho rằng, Hiệp định EVFTA và Hiệp định EVIPA mang lại cơ hội rất lớn cho ngành nông nghiệp nước ta. Đối với ca cao, hiện các nhà máy chế biến lớn đều nằm ở châu Âu, chủ yếu sử dụng nguồn nguyên liệu từ châu Phi. Tuy nhiên, ca cao của các nước châu Phi đang bước vào giai đoạn già cỗi, năng suất, chất lượng ngày một thấp. Thời gian qua, các doanh nghiệp chế biến ở châu Âu đã lên phương án tìm thị trường nguyên liệu mới. Ca cao của Việt Nam được thế giới đánh giá cao. Để xâm nhập thị trường châu Âu, từ bây giờ, ngành chức năng cần đề ra quy hoạch, chiến lược phát triển cụ thể; tập trung trồng ca cao dưới tán điều, qua đó tăng diện tích ca cao nhưng vẫn giữ được diện tích điều, nâng cao thu nhập cho người dân.

Theo ông Khanh, Nhà nước cần quan tâm quy hoạch ngành chế biến nông sản. Việt Nam có nhiều loại nông sản tốt, song khâu chế biến, đặc biệt là chế biến sâu đang rất yếu, điều này đã hạn chế lợi thế cạnh tranh của nông sản nước ta.

Công Phong (TTXVN)
Cơ hội và thách thức từ Hiệp định EVFTA
Cơ hội và thách thức từ Hiệp định EVFTA

Bên lề Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khoá XIV, phóng viên TTXVN đã phỏng vấn các đại biểu xung quanh cơ hội và thách thức từ Hiệp định EVFTA mang lại.    

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN