Sầu riêng đầu vụ có giá từ 80.000 đồng đến 85.000 đồng/kg, nhưng hiện nay giảm còn 35.000 đồng đến 40.000 đồng/kg, nhưng việc tiêu thụ vẫn rất khó khăn.
Ông Nguyễn Minh Hiếu, ấp 2, xã Cẩm Sơn có 1 công đất trồng sầu riêng cho biết, gia đình ông thu hoạch được 2 tấn vào đúng lúc sầu riêng mất giá nên chỉ bán được 35.000 đồng/kg, thu được 70 triệu đồng, chỉ bằng phân nửa lúc đầu vụ. Không những giá giảm mạnh mà việc tìm thương lái để bán sầu riêng hiện nay cũng rất khó khăn.
Tỉnh Tiền Giang hiện có trên 9.000 ha sầu riêng tập trung tại huyện Cai Lậy và vùng lân cận; trong đó, riêng huyện Cai Lậy có 8.875 ha. Lâu nay, sầu riêng là mặt hàng xuất khẩu quan trọng của tỉnh mà thị trường lớn nhất là Trung Quốc theo đường tiểu ngạch.
Tuy nhiên, gần đây, việc xuất khẩu sầu riêng sang Trung Quốc theo đường tiểu ngạch không còn thuận lợi là một trong những nguyên nhân khiến sầu riêng mất giá và nông dân lo lắng bởi thất thu lớn.
Theo bà Nguyễn Thị Hồng Tuyến, Bí thư Huyện ủy Cai Lậy, trước tình hình trên, để tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện cho ngành hàng sầu riêng phát triển bền vững, mang lại hiệu quả kinh tế và đảm bảo an sinh xã hội, địa phương tập trung chuyển giao kỹ thuật thâm canh theo hướng GAP gắn với chuỗi giá trị, đồng thời ứng dụng công nghệ xử lý cho trái rải vụ, mời gọi đầu tư chế biến sản phẩm từ trái sầu riêng, đa dạng hóa sản phẩm và thị trường xuất khẩu.
Qua đó, phát huy tiềm năng và lợi thế cây trồng chủ lực phù hợp với chủ trương tái cơ cấu nông nghiệp và xây dựng nền nông nghiệp hàng hóa chất lượng cao. Nhờ vậy, khắc phục tình trạng trúng mùa mất giá và giải quyết đầu ra ổn định cho trái sầu riêng và các loại trái cây tại địa phương.