Sáng 4/5, giá dầu châu Á giảm do lo ngại tình trạng dư cung

Giá dầu tại thị trường châu Á vào đầu phiên giao dịch sáng 4/5 giảm sau khi tăng mạnh trong tuần qua, giữa bối cảnh giới đầu tư vẫn quan ngại về tình trạng dư cung và công suất lưu trữ do nhu cầu giảm mạnh đã lấn át nỗ lực cắt giảm sản lượng.

Chú thích ảnh
Một mỏ dầu ở tỉnh Hasakeh, đông bắc Syria, ngày 11/3/2020. Ảnh: AFP/TTXVN

Đầu phiên sáng 4/5, giá dầu ngọt nhẹ Mỹ (WTI) giảm khoảng 8% xuống còn 18,19 USD/thùng trong khi giá dầu Brent giảm 3% xuống còn 25,56 USD/thùng.

Các thị trường dầu trên thế giới đã rơi vào tình trạng khủng hoảng trong những tuần qua khi dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 khiến các nước áp dụng lệnh phong tỏa và hạn chế đi lại khiến nhiều doanh nghiệp phải ngừng hoạt động, từ đó làm giảm nhu cầu dầu.

Giá dầu đã tăng mạnh trong tuần qua với giá dầu WTI tăng 25% trong hai ngày liên tiếp khi các nước sản xuất dầu hàng đầu thế giới bắt đầu cắt giảm sản lượng theo một thỏa thuận đã đạt được trước đó trong khi hiện có những hy vọng nhu cầu dầu sẽ phục hồi khi các nền kinh tế đang dần dần mở cửa trở lại.

Theo trưởng chiến lược gia thị trường toàn cầu Stephen Innes của AxiCorp, bất kỳ dấu hiệu nào về việc tái cân bằng cung - cầu trên thị trường dầu, dù thông qua việc tái mở cửa nền kinh tế hay tiếp tục cắt giảm sản lượng dầu, đều sẽ góp phần hỗ trợ giá “vàng đen” trong giai đoạn hiện nay.

Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và những quốc gia sản xuất dầu liên minh, còn gọi là OPEC+, đã nhất trí cắt giảm sản lượng xấp xỉ 10 triệu thùng/ngày để hỗ trợ thị trường dầu và thỏa thuận này có hiệu lực từ ngày 1/5. Thỏa thuận này đã kết thúc cuộc chiến giá dầu giữa Saudi Arabia và Nga - vốn làm tăng sức ép đối với các thị trường dầu ngay cả khi nhu cầu “vàng đen” giảm do tác động của dịch COVID-19.

Anh Quân (TTXVN)
Thỏa thuận cắt giảm sản lượng của OPEC+ tác động tới giá dầu
Thỏa thuận cắt giảm sản lượng của OPEC+ tác động tới giá dầu

Ngày 1/5, giá dầu thế giới đã quay đầu tăng về lại mức gần 27 USD/thùng, trong bối cảnh các nhà sản xuất thuộc Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) cùng các đối tác lớn khác, còn gọi là OPEC+, bắt đầu cắt giảm sản lượng ở mức kỷ lục nhằm giải quyết tình trạng dư thừa nguồn cung do tác động của đại dịch COVID-19 khiến thị trường lao đao. 

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN