Tình trạng khô hạn đang tác động đến nhiều nhà cung cấp lúa mì, khiến sản xuất lương thực trở nên khó khăn hơn. Căng thẳng Nga - Ukraine ảnh hưởng đến hoạt động vận chuyển ngũ cốc qua Biển Đen và làm dấy lên lo ngại về nguồn cung hạn chế. Theo các nhà phân tích, trong khi các nước xuất khẩu hàng đầu ở Nam Bán cầu là Argentina và Australia đã mất hàng triệu tấn lúa mì do hạn hán và sương giá, tình trạng thiếu độ ẩm đang ảnh hưởng tiêu cực đến việc canh tác, trồng trọt cho các vụ mùa năm 2025 ở Nga, Ukraine và Mỹ.
Dữ liệu của Mỹ cho thấy lượng dự trữ lúa mì thế giới ước tính đã giảm khoảng 14% so với mức cao kỷ lục cách đây 5 năm, do tác động của thời tiết xấu và ảnh hưởng từ xung đột Nga - Ukraine. Bộ Nông nghiệp Mỹ dự báo trong giai đoạn 2024 - 2025, lượng lúa mì tồn kho cuối kỳ trên thế giới sẽ ở mức thấp nhất trong 9 năm là 257,22 triệu tấn. Trong khi đó, công ty tư vấn Strategie Grains ước tính sản lượng lúa mì của Liên minh châu Âu (EU) sẽ đạt mức thấp nhất trong 12 năm do mưa làm ảnh hưởng đến vụ thu hoạch.
Tại Argentina, sàn giao dịch ngũ cốc Rosario đã giảm ước tính sản lượng thu hoạch giai đoạn 2024 - 2025 của nước này khoảng 5% xuống còn 19,5 triệu tấn. Các nhà phân tích cũng hạ dự báo sản lượng lúa mì của Australia xuống còn khoảng 32 - 33 triệu tấn, thấp hơn ước tính trước đó khoảng 2 - 3 triệu tấn.
Sản lượng sụt giảm đã thúc đẩy giá cả tăng cao. Trên thị trường lương thực, lúa mì Biển Đen ở Đông Nam Á có giá khoảng 280 USD/tấn, bao gồm cả chi phí và cước vận chuyển, tăng từ mức 265 USD/tấn cách đây khoảng một tháng.
Tuần trước, giá lúa mì kỳ hạn giao dịch tại Chicago đã tăng lên mức cao nhất trong 4 tháng sau khi chạm mức thấp nhất kể từ năm 2020 vào tháng 7/2024. Một số nông dân ở các quốc gia xuất khẩu, như Australia và Canada, đang kìm hãm doanh số bán hàng với dự đoán giá sẽ tăng cao hơn nữa.