Kết thúc phiên này, chỉ số công nghiệp Dow Jones tăng 454,84 điểm (1,59%), lên 29.100,5 điểm. Chỉ số S&P 500 cũng tiến 54,19 điểm (1,54%) lên 3.580,84 điểm. Trong khi đó, chỉ số công nghê Nasdaq Composite cộng thêm 116,78 điểm (0,98%), lên 12.056,44 điểm. Như vậy, cả chỉ số S&P 500 và Nasdaq Composite đều xác lập mức cao kỷ lục mới, với Nasdaq Composite vượt ngưỡng 12.000 điểm lần đầu tiên. Dow Jones cũng ghi nhận phiên tăng mạnh nhất kể từ ngày 14/07/2020. S&P 500 cũng chứng kiến phiên giao dịch tốt nhất kể từ ngày 6/7/2020.
Báo cáo "Sách be" của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã cho thấy sự tăng trưởng khiêm tốn trong hoạt động của các doanh nghiệp Mỹ và sự gia tăng việc làm tính đến cuối tháng 8/2020, trong khi tăng trưởng kinh tế vẫn đình trệ ở một số khu vực của Mỹ.
Chỉ số Dow Jones đang tiến gần hơn đến mức cao kỷ lục xác lập ngày 12/2, thấp hơn chỉ 1,6% so với mốc quan trọng này, trong khi chỉ số Nasdaq đóng cửa phiên giao dịch ở mức cao hơn gần 23% so với mức trước khủng hoảng.
Lindsey Bell, chiến lược gia đầu tư chính tại Ally Invest, nhận định mặc dù phần lớn đà tăng của thị trường chứng khoán từ mức thấp nhất hồi tháng 3/2020 đã được thúc đẩy bởi chính sách của Fed, song các nhà đầu tư có thể vẫn đang phản ứng với thông báo về chiến lược chính sách tiền tệ mới vừa được Fed đưa ra tuần trước. Cụ thể, Fed thông báo sẽ để lạm phát gia tăng, qua đó giúp nền kinh tế tạo ra nhiều việc làm hơn nhằm mang lại lợi ích cho tất cả người lao động, đặc biệt là những hộ gia đình có mức thu nhập thấp. Chủ tịch Fed Jerome Powell cho biết sự thay đổi này có nghĩa là lạm phát có thể duy trì trên 2% "trong một thời gian nhất định" trước khi Fed cần hành động thông qua việc tăng lãi suất.
Dữ liệu từ ADP cho biết khu vực tư nhân tại Mỹ đã tạo ra thêm 428.000 việc làm trong tháng 8/2020, thấp hơn rất nhiều so với dự báo thêm 1,17 triệu việc làm từ các chuyên gia kinh tế tham gia cuộc thăm dò của Dow Jones. Hiện giới đầu tư vẫn chờ đợi báo cáo chính thức từ Bộ Lao động Mỹ, dự kiến được công bố vào cuối tuần này.