Kỷ lục tiếp nối ở Phố Wall, chứng khoán châu Âu có phần 'hụt hơi' phiên 1/9

Phiên giao dịch đầu tháng Chín (1/9), trong khi chứng khoán Phố Wall đang trên đà phục hồi thì chứng khoán châu Âu lại biến động trái chiều, sau khi các dữ liệu mới công bố cho thấy lạm phát tiêu dùng ở Khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) đã rơi vào vùng âm trong tháng 8/2020, đồng thời hoạt động sản xuất cũng chậm lại.

Chú thích ảnh
 Giao dịch viên tại Sàn giao dịch chứng khoán Frankfurt, Đức0. Ảnh: THX/TTXVN

Theo đó, cả hai chỉ số là S&P 500 và Nasdaq đều “leo” lên những mức cao mới. Diễn biến này phản ánh tâm lý "sợ bỏ lỡ" của giới đầu tư, giữa bối cảnh giá cổ phiếu được kỳ vọng sẽ tăng cao hơn trong thời gian khối lượng giao dịch thấp.

Cụ thể tại New York, chỉ số công nghiệp Dow Jones tăng 0,8% lên 28.645,66 điểm, chỉ số S&P 500 nhích 0,8% lên 3.526,65 điểm, còn chỉ số công nghệ Nasdaq Composite cộng thêm 1,4% lên 11.939,67 điểm.
 
Tại Mỹ, các dữ liệu kinh tế cho thấy chỉ số sản xuất của Viện Quản lý nguồn cung đã tăng cao hơn dự kiến trong tháng 8/2020, với nhiều chỉ số quan trọng đã tiếp tục mở rộng sau khi xảy ra sự gián đoạn hoạt động kinh doanh từ đầu năm do đại dịch COVID-19.

Mặc dù tỷ lệ thất nghiệp của Mỹ vẫn tăng cao và một số lĩnh vực tiếp tục chịu nhiều thách thức, song các nhà phân tích kỳ vọng xu hướng phục hồi kinh tế sẽ mang lại mức tăng trưởng thu nhập mạnh mẽ sau những động thái hỗ trợ lớn từ Washington. Howard Silverblatt, nhà phân tích cấp cao của S&P Dow Jones Indices, cho biết thị trường đặt kỳ vọng vào những mức lợi nhuận kỷ lục trong quý IV/2020.

Trong khi đó ở phía bên kia bờ Đại Tây Dương, chỉ số FTSE 100 của London lại giảm mạnh 1,7% xuống còn 5.862,05 điểm, trong khi chỉ số DAX 30 trên sàn Frankfurt tăng nhẹ 0,2% lên mức 12.974,25 điểm. Tại Paris, chỉ số CAC 40 giảm nhẹ 0,2% xuống còn 4.938,10 điểm. 

Trước đó, Cơ quan Thống kê Liên minh châu Âu (Eurostat) công bố số liệu cho thấy lạm phát tháng 8/2020 trong Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozoe) ở mức âm 0,2%, ghi dấu sự sụt giảm mạnh từ mức 0,4% trong tháng 7/2020 và thậm chí còn xa mức mục tiêu chính thức được Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đặt ra là quanh ngưỡng 2%. 

Trong bối cảnh này, nhà kinh tế cấp cao về châu Âu tại cơ quan nghiên cứu Capital Economics Jack Allen-Reynoldscho biết: “Chính sách tiền tệ nới lỏng trong khu vực Eurozone sẽ cần được duy trì trong nhiều năm tới”. 

Trong khi đó, một chỉ dấu quan trọng khác của nền kinh tế là chỉ số Nhà quản trị mua hàng (PMI) cũng cho thấy dấu hiệu tăng trưởng ngành công nghiệp của khu vực đang “hụt hơi” trong tháng 8/2020, các nhà kinh tế tại Oxford Economics lưu ý.

Phương Nga (TTXVN)
FED nêu bật vai trò của chính sách mới trong tác động kinh tế - Chứng khoán Mỹ đón nhận tín hiệu lạc quan
FED nêu bật vai trò của chính sách mới trong tác động kinh tế - Chứng khoán Mỹ đón nhận tín hiệu lạc quan

Ngày 31/8, Phó Chủ tịch Ngân hàng Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) Richard Clarida nhận định việc FED công bố thay đổi chính sách vào tuần trước là một bước đi quan trọng, giúp ngân hàng này thích ứng với tình hình kinh tế mới.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN