Chốt phiên 11/4, giá dầu Brent giao dịch kỳ hạn giảm 4,30 USD (4,2%) xuống 98,48 USD/thùng, mức đóng cửa thấp nhất kể từ ngày 16/3. Còn dầu WTI giảm 3,97 USD (4%) xuống 94,29 USD/thùng, mức thấp nhất kể từ ngày 25/2, một ngày sau khi Nga tiến hành chiến dịch đặc biệt tại Ukraine (U-crai-na).
Các nhà phân tích tại công ty tư vấn Eurasia Group, có trụ sở tại Mỹ, nhận định hoạt động tiêu thụ nhiên liệu tại Trung Quốc, nhà nhập khẩu dầu lớn nhất thế giới, đã đình trệ trước sự bùng phát các ca mắc COVID-19 tại Thượng Hải, trung tâm tài chính của Trung Quốc. Theo công ty này, chính sách phong tỏa tại Thượng Hải có thể làm giảm mức tiêu thụ dầu tổng thể của Trung Quốc lên tới 1,3 triệu thùng mỗi ngày.
Bên cạnh đó, giá dầu còn chịu sức ép trước kế hoạch mở kho dầu dự trữ chiến lược của các nước. Các quốc gia thành viên của Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) sẽ xuất kho dự trữ 60 triệu thùng dầu trong vòng sáu tháng tới. Mỹ cũng có kế hoạch giải phóng 180 triệu thùng từ kho dự trữ dầu mỏ chiến lược được công bố trong tháng Ba.
Theo các nhà phân tích của ngân hàng JP Morgan (Mỹ), việc giải phóng lượng dầu từ Kho dự trữ dầu mỏ chiến lược (SPR) khoảng 1,3 triệu thùng/ngày trong sáu tháng tới sẽ đủ để bù đắp tình trạng thiếu hụt 1 triệu thùng/ngày từ Nga.
Trước tình hình trên, Ngân hàng đầu tư UBS (Thụy Sỹ) đã hạ dự báo giá dầu Brent trong tháng Sáu xuống 115 USD/thùng.