Thời điểm khối ngoại ưa thích giải ngân
Tuần qua, giới đầu tư bất ngờ chứng kiến khối ngoại quay trở lại mua ròng sau chuỗi bán mạnh kể từ đầu tháng, với giá trị mua ròng đạt 316 tỷ đồng trên cả 3 sàn. Theo đó, khối ngoại mua ròng với giá trị 467,7 tỷ đồng trên HoSE; 14,7 tỷ đồng trên HNX và bán ròng 166 tỷ đồng trên UPCOM.
Ông Đinh Quang Hinh, Trưởng Bộ phận vĩ mô và Chiến lược thị trường, Khối Phân tích Công ty cổ phần Chứng khoán VNDIRECT (VNDIRECT) kỳ vọng, đà mua ròng của khối ngoại có thể tiếp diễn trong những tuần giao dịch đầu năm mới vì thông thường thời điểm đầu năm là khoảng thời gian giải ngân ưa thích của khối ngoại.
Bên cạnh đó, dòng tiền nội có thể hứng khởi hơn khi bước sang năm mới, trong bối cảnh thị trường xuất hiện một vài thông tin hỗ trợ quan trọng như tăng trưởng tín dụng cải thiện đáng kể trong tháng 12; Việt Nam ghi nhận mức tăng trưởng 6,72% trong quý IV/23 và 5,05% trong cả năm 2023 đã cho thấy xu hướng phục hồi rõ nét hơn của nền kinh tế; lạm phát tháng 12 tăng 3,58% so với cùng kỳ năm ngoái và cả năm 2023 bình quân tăng 3,25% so với năm 2012, cho thấy áp lực lạm phát trong tầm kiểm soát và tạo điều kiện để tiếp tục thực thi chính sách tiền tệ nới lỏng để phục hồi tăng trưởng.
Do đó, ông Hinh kỳ vọng thị trường chứng khoán có thể duy trì xu hướng tăng trong tuần giao dịch đầu năm 2024, với chỉ số VN-Index hướng tới vùng kháng cự mạnh quanh 1.150 điểm.
Ông Phạm Bình Phương, chuyên gia từ Công ty cổ phần Chứng khoán Mirae Asset (Việt Nam) cho rằng, nhịp tăng điểm của VN-Index đã vượt qua các kháng cự như MA 20 ngày (đường trung bình động lấy mốc thời gian ngắn hạn trong 20 phiên giao dịch), MA 200 ngày (đường trung bình động 200 ngày, được coi là cách đo lường của một năm giao dịch) và hiện tại đang gặp khó tại vùng 1.130 điểm.
Khả năng VN-Index sẽ chịu áp lực điều chỉnh trong tuần sau, tuy nhiên việc “xuyên thủng” mốc 1.130 điểm trong phiên có thể là dấu hiệu VN-Index sẽ sớm chinh phục ngưỡng này, ông Phương nhìn nhận.
Theo Công ty cổ phần Chứng khoán Kiến Thiết Việt Nam (CSI), tổng kết tuần giao dịch cuối năm, thị trường “phấn khởi” trong sắc xanh với 21/21 nhóm ngành ghi nhận tăng giá. “Cất cánh” bay cao nhất là ngành hàng không với mức tăng 5,49%, theo sau với mức tăng trên 3% còn có: Bất động sản tăng 3,76%, thủy sản tăng 3,55%, hóa chất tăng 3,47%, ngân hàng có mức tăng 2%.
Tâm lý tích cực của nhà đầu tư đã hỗ trợ thị trường ngay trước dịp nghỉ Tết Dương lịch. Ở phiên thứ Hai đầu tuần, nhà đầu tư được nhận quà Giáng sinh khi thị trường chứng kiến mức tăng mạnh nhất trong hơn 2 tuần, tăng 1,3% lên 1.117,7 điểm.
Mặc dù thị trường mở cửa với gap (khoảng trống giá - là một vùng trên biểu đồ giá ở đó giá chứng khoán tăng hoặc giảm so với phiên hôm trước, đóng cửa mà không có giao dịch nào xảy ra ở giữa vùng này) tăng 5 điểm ở phiên thứ Ba, trong phần lớn thời gian, VN-Index chủ yếu giao dịch giằng co quanh ngưỡng 1.120 điểm trước khi lực cầu xuất hiện kéo thị trường đóng cửa tăng 4,6 điểm.
Mặc dù thị trường giảm nhẹ 0,02% trong phiên thứ Tư, khối ngoại đã chính thức chấm dứt đà bán ròng 20 phiên liên tiếp khi mua ròng 114 tỷ VND trên HoSE.
Bên cạnh đó, thông tin tăng trưởng tín dụng tính đến ngày 20/12 đạt 10,9% đã hỗ trợ đà tăng điểm của nhóm ngành ngân hàng. Tâm lý tích cực lan tỏa trong phiên thứ Năm giúp VN-Index tăng gần 7 điểm, được hỗ trợ bởi mức tăng 4,3% của VHM khi cổ phiếu xuất hiện giao dịch thỏa thuận trị giá trên 4.000 tỷ đồng. Điểm sáng tập trung ở khối ngoại với đà mua ròng 330 tỷ đồng trên toàn thị trường.
VN-Index đóng cửa phiên cuối cùng của năm 2023 (29/12) trong sắc xanh khi tăng gần 1 điểm lên mốc 1.129 điểm, với khối ngoại tiếp đà mua ròng phiên thứ 3 liên tiếp đạt 321 tỷ đồng trên toàn thị trường.
Thực tế, tuần giao dịch cuối cùng của năm đã xuất hiện những điểm sáng, trong đó nổi bật là động thái đảo chiều mua ròng của khối ngoại đã giúp VN-Index kết thúc tuần với 1,129.93 điểm, tương đương mức tăng tương đối ấn tượng, đạt 2,44% so với cuối tuần trước; HNX- Index tăng 1,21% lên 231,04 điểm và UPCOM-Index tăng 1,04% để đóng cửa tại 87,04 điểm.
Tuần qua, VHM tăng 7,2%, VPB tăng 5,8%, MSN tăng 6,4%, đây là các cổ phiếu vốn hóa lớn dẫn dắt đà hồi phục. Ngược lại, nhóm cổ phiếu gồm VCB giảm 0,7%, HDG giảm 5,2% và HAG giảm 2,2% gây áp lực lên chỉ số chung.
Tuần qua, thanh khoản tăng mạnh 24% so với tuần trước, đạt 18.291 tỷ đồng/phiên, thể hiện sự tích cực của thị trường khi nhà đầu tư giao dịch sôi động trở lại.
Thị trường chứng khoán Việt Nam hồi phục nhẹ trong tuần cuối cùng của năm 2023 giữa bối cảnh thị trường chứng khoán thế giới diễn biến khá tích cực.
Chứng khoán châu Á dứt chuỗi suy giảm kéo dài hai năm
Chứng khoán châu Á tăng, giảm ngược chiều trong chiều 29/12, song vẫn hướng tới kết thúc chuỗi giảm kéo dài hai năm trước kỳ vọng Mỹ sẽ hạ lãi suất vào năm 2024.
Kết thúc phiên 29/12, chỉ số Nikkei-225 tại Tokyo (Nhật Bản) đóng cửa giảm 0,22% xuống 33.464,17 điểm. Dù vậy, chỉ số này vẫn ghi nhận mức tăng theo năm tốt nhất trong một thập kỷ qua.
Chứng khoán Trung Quốc tăng nhẹ trong phiên cuối cùng của năm 2023, với chỉ số Hang Seng tại Hong Kong (Trung Quốc) kết thúc phiên nhích nhẹ 0,02% lên 17.047,39 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải tăng 0,68% lên 2.974,93 điểm.
Phiên này, chỉ số chứng khoán MSCI của khu vực châu Á-Thái Bình Dương (trừ Nhật Bản) hầu như không thay đổi nhưng vẫn ở gần mức cao nhất trong 5 tháng. Đồng thời, chỉ số này hướng tới mức tăng 5% theo năm sau khi giảm điểm mạnh trong hai năm liên tiếp trước đó.
Riêng trong hai tháng qua, chỉ số này đã tăng hơn 11% khi các nhà đầu tư tăng cường đặt cược rằng các ngân hàng trung ương đã hoàn tất chu kỳ tăng lãi suất và sẽ sớm bắt đầu nới lỏng chính sách tiền tệ.
Nhìn chung, thị trường chứng khoán ghi nhận hoạt động tốt nhất vào năm 2023 tại châu Á là Nikkei của Nhật Bản với mức tăng mạnh nhất trong một thập kỷ là 28%. Chỉ số Nifty của Ấn Độ có mức tăng giá tốt thứ ba với mức tăng 20%.
Mặt khác, chỉ số SET của Thái Lan là thị trường chứng khoán có diễn biến tệ nhất khu vực châu Á trong năm nay với mức giảm 15%. Xếp thứ hai là chỉ số Hang Seng của Hong Kong với mức giảm 14% trong năm nay. Các cổ phiếu blue-chip ( cổ phiếu của công ty có uy tín và tình hình tài chính vững chắc, giá trị vốn hóa thị trường lớn) của Trung Quốc cũng đang trên đà giảm 11% trong năm nay.
Theo công cụ CME FedWatch chuyên theo dõi động thái của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed), các thị trường đang đặt cược ngân hàng trung ương này có 88% khả năng bắt đầu cắt giảm lãi suất vào tháng 3/2024. Mức này cao vượt trội so với 35% cơ hội ghi nhận hồi cuối tháng 11. Các nhà giao dịch cũng đang định giá vào khả năng Fed sẽ cắt giảm lãi suất khoảng 150 điểm cơ bản vào năm tới.
Ủng hộ cho những đặt cược trên là một loạt số liệu chứng minh sức mạnh của nền kinh tế Mỹ, củng cố khả năng Fed sẽ có lập trường ôn hòa hơn.
Câu hỏi duy nhất mà thị trường tập trung chú ý là khi nào các ngân hàng trung ương cắt giảm lãi suất trong năm 2024.
Còn tại châu Âu, khép phiên giao dịch 29/12, chỉ số CAC 40 của Paris nhích nhẹ 0,1% lên 7.543,18 điểm, chỉ số DAX 30 trên sàn Frankfurt tăng 0,3% lên 16.751,64 điểm, còn chỉ số FTSE 100 của London tăng 0,1% lên 7.733,24 điểm. Chỉ số tổng hợp EURO STOXX 50 tăng 0,2% lên 4.521,65 điểm.