Đặc biệt, trong khoảng 2 tuần qua, nông dân vùng U Minh Thượng gồm các huyện: An Biên, An Minh, Vĩnh Thuận, U Minh Thượng, tỉnh Kiên Giang đang vào đợt thu hoạch rộ cua biển, tôm càng xanh nên người nuôi càng phấn khởi.
Hai tuần qua, hộ ông Nguyễn Văn Trưng, xã Đông Yên, huyện An Biên bước vào đợt cao điểm thu hoạch cua biển theo mô hình nuôi quảng canh cải tiến kết hợp nuôi tôm sú trên diện tích gần 6ha. Ông Trưng cho biết, giá cua gạch hiện được thương lái thu mua 600.000 đồng/kg, cua y cỡ nhất (trọng lượng từ 400 gram trở lên mỗi con) giá 240.000 đồng/kg, cua y cỡ nhì giá 200.000 đồng/kg. So với cùng kỳ năm 2023, giá cua gạch tăng khoảng 200.000 đồng/kg; cua y tăng gần 50.000 đồng/kg.
Ông Trưng cũng cho hay, trong 2 tuần qua, trung bình mỗi gia đình thu hoạch được từ 70-100kg cua; trong đó, đa phần là cua y. Cua biển nuôi vụ này đạt tỷ lệ khá cao, hơn 80% và nhờ bán có giá nên lợi nhuận mang về cho gia đình tăng gấp rưỡi so với những năm trước. “Theo tôi, nguyên nhân cua biển tăng giá là do đầu năm thời tiết nắng nóng và độ mặn tăng cao ảnh hưởng, thiệt hại đến cua nuôi ở đầu vụ làm cho sản lượng thu hoạch đợt này giảm nên giá tăng lên. Để nghề nuôi cua phát triển bền vững và người nuôi có lợi nhuận khá, tôi mong ngành chức năng mời gọi doanh nghiệp lớn về ký kết thu mua với mức giá hợp lý để người nuôi cua yên tâm. Vì trong thời gian qua, giá cua biển cũng khá bấp bênh và phụ thuộc hoàn toàn vào thương lái định giá”, ông Trưng chia sẻ thêm.
Gắn bó với nghề nuôi tôm, cua ở xã Hưng Yên, huyện An Biên hơn 20 năm, ông Nguyễn Văn Sinh cho biết, ít có năm nào giá cua biển lại có khá cao trong thời điểm từ tháng 4 đến tháng 10 hàng năm như năm nay. “Thường thì giá cua biển tăng cao trong dịp Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán, hoặc dịp Thanh minh, và giá tăng mỗi đợt khoảng 20 ngày đến 1 tháng. Vuông nuôi kết hợp tôm, cua gia đình tôi lúc thả đầu vụ, giữa tháng 2 cũng bị ảnh hưởng, thiệt hại do ảnh hưởng của hạn mặn, vì vậy, tỷ lệ đầu con đạt khoảng 60%. Cũng may cua biển có giá cao ngay trong thời điểm thu hoạch rộ nên gia đình cũng như những nông dân nuôi cua, tôm ở đây rất phấn khởi, vì có lợi nhuận khá từ mô hình”, ông Sinh cho biết.
Không chỉ có cua biển tăng giá, khoảng 1 tháng qua, giá tôm càng xanh ở các huyện thuộc vùng U Minh Thượng như An Minh, Vĩnh Thuận… cũng tăng khá cao. Anh Lê Văn Chúc, xã Vĩnh Bình Bắc, huyện Vĩnh Thuận chia sẻ, gia đình vừa “được mùa, trúng giá” vụ tôm càng xanh đầu năm 2024. Cụ thể, gia đình anh nuôi thả nuôi kết hợp tôm càng xanh, tôm thẻ và tôm sú trên diện tích 2,5ha vào cuối tháng 2 năm nay. Đến giữa tháng 6, gia đình thu hoạch được hơn 1,2 tấn tôm càng xanh bán với giá tôm oxy 140.000 đồng/kg, tôm ngộp giá 80.000 đồng/kg.
"Từ đầu năm 2022 đến nay lần đầu tiên tôm càng xanh có giá như trên, chứ trước đó giá tôm oxy từ 110.000-120.000 đồng/kg, tôm ngộp 50.000-60.000 đồng/kg. Nhờ giá bán được cao nên sau khi trừ chi phí, vụ tôm càng này tôi thu lợi nhuận hơn 100 triệu đồng, tăng gấp rưỡi so với những vụ tôm trước". Theo anh Chúc, có thể vào đầu vụ nắng nóng gay gắt và độ mặn quá cao làm ảnh hưởng thả giống nên đến đợt thu hoạch tôm càng xanh này hút hàng và bán có giá cao.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Kiên Giang, trong 5 tháng đầu năm 2024, sản lượng khai thác và nuôi trồng thủy sản của tỉnh đạt khoảng 320.000 tấn, đạt hơn 40% kế hoạch năm; trong đó, sản lượng thủy sản nuôi trồng đạt hơn 110.000 tấn, đạt hơn 35%, tăng gần 4% so với cùng kỳ. Trong tháng 2 và tháng 3/2024, nắng nóng và độ mặn tăng cao ảnh hưởng đến nuôi trồng thủy sản nói chung và tôm, cua nói riêng ở một số khu vực, nhưng không đáng kể.
Ông Lê Hữu Toàn, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Kiên Giang cho biết, sản lượng nuôi trồng thủy sản tăng so với cùng kỳ do diện tích thả nuôi tăng, nhất là các loại thủy sản có giá trị cao như: Tôm nước lợ, cua biển, cá nuôi lồng bè… Các ngành chức năng hữu quan tăng cường quản lý chất lượng giống thủy sản, nhất là tôm giống, cua giống, đồng thời khuyến cáo nông dân mua con giống chất lượng ở các cơ sở sản xuất kinh doanh rõ ràng, uy tín để thả nuôi.
Theo ông Toàn nhận định, giá tôm càng xanh và cua biển tăng và duy trì ở mức tương đối cao như hiện nay bên cạnh tăng lợi nhuận cho nông dân, góp phần phát triển kinh tế - xã hội địa phương còn có tác động tích cực đến việc phục hồi sản xuất của ngành nuôi trồng thủy sản của tỉnh.
“Để ngành nuôi trồng thủy sản nói chung, nuôi tôm, cua nói riêng đạt hiệu quả trong thời gian tới, ngành nông nghiệp chủ động triển khai các giải pháp như: Tăng cường kiểm dịch chất lượng con giống; tập huấn kỹ thuật nuôi tôm, cua theo hướng an toàn sinh học, giám sát chặt chẽ dịch bệnh, phát hiện sớm, kịp thời áp dụng các biện pháp xử lý, khống chế không để dịch bệnh lây lan ra diện rộng. Đồng thời, phối hợp với cơ quan có liên quan, các địa phương vận hành hệ thống công trình thủy lợi điều tiết nước phục vụ cho nuôi tôm, cua; vận hành hệ thống quan trắc môi trường nước tự động, cung cấp thông tin phục vụ nuôi trồng thủy sản đạt hiệu quả", ông Lê Hữu Toàn thông tin thêm.