Mừng vui hoa nở đúng dịp
Hiện nay, dọc theo tuyến Quốc lộ 57, khu vực huyện Chợ Lách, tỉnh Bến Tre, các sản phẩm hoa cảnh được người dân tập kết ven đường để chờ xe đến vận chuyển đi khắp nơi trong cả nước.
Theo Chị Nguyễn Thị Hiền, xã Phú Sơn, huyện Chợ Lách, năm nay tuy nước mặn đến sớm ảnh hưởng đến nghề trồng hoa của người dân nơi đây, nhưng với sự chủ động trong ứng phó với hạn mặn, người dân kịp thời trữ nước ngọt để sản xuất, đảm bảo hoa nở đẹp, nở đúng dịp để phục vụ cho bà con.
Chị Hiền cho biết, năm nay, gia đình làm hơn 2.000 chậu hoa giấy với đủ loại màu sắc khác nhau. Hiện tại, các sản phẩm đã được thương lái đặt hàng. Năm nay, giá tăng hơn so với năm trước từ 5.000 - 20.000 đồng/chậu, giúp người dân có lợi nhuận cao hơn, để bù vào chi phí sản xuất năm nay cao hơn năm trước.
Ngoài các sản phẩm bông nở như cúc mâm xôi, hoa Vạn Thọ, cúc Tiger, cúc Hà Lan…, các loại cây kiểng (mai vàng, tắc cảnh - quất) tại Chợ Lách cũng là sản phẩm đặc trưng của khu vực được mệnh danh "Vương quốc hoa kiểng".
Anh Trần Hữu Nghiệp, xã Hưng Khánh Trung B, huyện Chợ Lách chia sẻ, năm nay, gia đình sản xuất hơn 10.000 sản phẩm mai vàng để cung cấp thị trường TP Hồ Chí Minh, các tỉnh miền Trung đây là thị trường truyền thống nhiều năm qua. Theo đó, các thương lái đặt hàng hơn một tháng trước, các sản phẩm đang được thương lái vận chuyển đến nơi tiêu thụ.
Theo anh Nghiệp, những năm gần đây sản phẩm mai vàng ghép các loại giống mai giảo (12 cánh) có hoa to, nhiều hoa được mọi người ưa chuộng, đây cũng là sản phẩm đặc trưng riêng có của Chợ Lách. Mỗi năm do lượng đặt hàng nhiều nên sản phẩm có số lượng ngày càng tăng lên đáp ứng nhu cầu thị trường. Lợi nhuận trung bình mỗi năm của gia đình từ bán mai được hơn 500 triệu đồng.
Không chỉ nhộn nhịp trên bờ với xe cộ tấp nập để nhận hàng, dưới bến sông, các loại ghe, tàu lớn cũng được người dân làm phương tiện vận chuyển hoa lên các thành phố lớn như TP Hồ Chí Minh, Cần Thơ, Bình Dương… khắp nơi trong vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
Anh Lưu Văn Nghĩa, xã Vĩnh Thành, huyện Chợ Lách tâm sự, giao thông đường bộ ngày càng phát triển nên được các thương lái lựa chọn nhiều hơn để vận chuyển hoa, kiểng đi khắp nơi. Còn phương tiện thủy ngày càng ít dần. Tuy vận chuyển không nhanh bằng xe, nhưng vận chuyển bằng ghe, tàu có ưu thế hơn chuyển được nhiều loại, sản phẩm ít bị hư hại.
Mỗi năm, anh Nghĩa vận chuyển các loại hoa sản xuất tại nhà và mua thêm của những người trong xóm từ 6.000 - 8.000 sản phẩm hoa kiểng các loại bán tại chợ hoa của tỉnh Bình Dương, đây là thị trường anh bán từ nhiều năm nay. Anh Nghĩa cho hay, vận chuyển bằng ghe, tàu có niềm vui riêng, hình ảnh những chiếc tàu, ghe chở đầy hoa kiểng di chuyển trên sông khi đến bến, hàng trăm chiếc ghe, tàu đậu san sát với nhiều màu sắc tạo cảnh đặt trưng riêng có của vùng sông nước Miền Tây khi mùa xuân về.
Theo anh Nguyễn Văn Minh, thương lái thu mua hoa từ thành phố Đà Nẵng, sản phẩm hoa kiểng tại Chợ Lách có đặc trưng riêng, với mẫu mã đa dạng, rất đẹp, được mọi người ưa chuộng. Mỗi năm, anh Minh đều đến Chợ Lách đặt hàng để chở về cung cấp cho người dân tại Đà Nẵng. Năm nay, anh Minh mua hơn 10.000 sản phẩm các loại mang về bán tại khu vực miền Trung.
Ông Trần Minh Mẫn, Phó Chủ tịch Hội Sinh vật cảnh huyện Chợ Lách cho hay, ngoài việc bán cho các thương lại trực tiếp đến mua, người dân Chợ Lách cũng tự mang sản phẩm đến bán tại các chợ hoa tại các thành phố lớn. Mỗi năm, Hội sinh vật cảnh huyện Chợ Lách đăng ký các gian hàng bán hoa kiểng tại khu vực quận Gò Vấp, TP Hồ Chí Minh.
Ông Mẫn chia sẻ, toàn huyện Chợ Lách có 11 làng nghề trồng hoa kiểng với hơn 6.000 hộ, diện tích hơn 650 ha, đây là các làng nghề trồng hoa có từ lâu đời. Đây là vùng trồng hoa cảnh cung ứng cho thị trường tết lớn nhất cả nước.
Vụ hoa Tết năm 2020, nhà vườn trồng hoa kiểng tại Chợ Lách cung ứng cho thị trường hơn 11 triệu sản phẩm hoa kiểng các loại như mai vàng, bông giấy, các loại bông nở (cúc mâm xôi, vạn thọ, cúc Hà Lan…), các loại hoa treo, kiểng lá... Năm nay, giá các loại hoa cảnh tăng nhẹ từ 5.000 - 20.000 đồng/sản phẩm, giúp người dân tăng thu nhập, tạo sự phấn khởi cho người trồng hoa khi được mùa được giá.
Trồng hoa kiểng, rau màu là một trong những nghề chính của nông dân vùng ngoại ô thành phố Cần Thơ. Tuy cực khổ nhưng tạo được công ăn việc làm thường xuyên và cũng cho thu nhập kha khá cho bà con, nhất là trong dịp Tết nguyên đán. Tuy công việc của những hộ nông dân trồng hoa kiểng cũng như rau màu đều cực khổ, nặng nhọc giống nhau nhưng sản phẩm khi bán ra trong dịp tết nguyên đán năm nay có người vui người buồn .
Tại làng hoa kiểng Phó Thọ - Bà Bộ, thuộc quận Bình Thủy, thành phố Cần Thơ, với diện tích khoảng 18 ha trồng hoa kiểng của hơn 230 hộ tham gia sản xuất, bà con trồng hoa năm nay rất phấn khởi vì thời tiết thuận lợi, các loại hoa kiểng đang phát triển tốt và được thương lái vào thu mua với giá cao hơn cùng kỳ từ 20 - 30%.
Hiện, hoa hồng là loại khá đắt hàng có giá từ 200 - 500 nghìn đồng một chậu. Cúc pha lê từ 200 - 800 nghìn đồng một chậu, cúc Đài Loan 150 - 200 nghìn đồng một chậu. Hoa Ly tính theo bông với giá trên dưới 20.000 đồng/bông. Hoa đồng tiền từ 60 - 80 nghìn đồng một chậu. Với giá bán như trên, năm nay những hộ trồng hoa kiểng ở làng hoa Phó Thọ - Bà Bộ có lợi nhuận từ vài chục triệu đến cả trăm triệu đồng, cao hơn gấp nhiều lần so với trồng lúa và các loại hoa màu khác.
Lo lắng giá xuống thấp
Năm nay, nông dân các quận huyện trên địa bàn thành phố Cần Thơ đã trồng được hơn 1,5 triệu chậu hoa, kiểng và 21,27 ha các loại hoa như cúc, vạn thọ, huệ trắng trồng dưới đất cung cấp cho thị trường tết của thành phố Cần Thơ và tỉnh bạn lân cận. Hiện nông dân đang bắt đầu bán cho thương lái vận chuyển đến các nơi tiêu thụ. Một số người có số lượng hoa ít đã tự thuê mướn phương tiện vận chuyển hoa đến các khu vực trung tâm của thành phố Cần Thơ để tiêu thụ mong có được lợi nhuận cao hơn.
Trong khi những hộ dân trồng hoa kiểng rất phấn khởi thì những hộ trồng rau màu phục vụ tết nguyên đán năm nay lại rất lo lắng vì càng tới những ngày giáp Tết, giá nhiều loại rau màu càng xuống thấp.
Hiện, giá các loại rau màu được thương lái vào tận ruộng thu mua với giá chưa bằng một nửa so với giá những ngày bình thường và so với cùng kỳ trước tết năm ngoái. Cụ thể như: dưa leo chỉ còn có giá từ 2.000 đến 3.000 đồng/kg, củ cải trắng 2.000 đồng/kg, ớt 11.000 đồng/kg, cải làm dưa chỉ có giá trên dưới 1.500 đồng/kg nhưng cũng rất khó bán, xoài Đài Loan trên dưới 5.000 đồng/kg...
Ông Phan Văn Năm, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện Vĩnh Thạnh cho biết, trong vụ Đông Xuân 2019-2020, nông dân của huyện đã xuống giống được 209 ha rau màu; trong đó, chủ yếu là ớt, dưa hấu, cải củ và một số loại rau màu khác. Nhìn chung, hầu hết những hộ nông dân trồng rau màu của huyện năm nay không phấn khởi vì giá các loại rau màu bị sụt giảm mạnh, nông dân không có lãi, thậm chí còn thua lỗ. Nguyên nhân chủ yếu là do diện tích cũng như sản lượng rau màu tăng mạnh, cung vượt nhu cầu.
Riêng dưa hấu Tết năm nay lại tăng giá mạnh trong những ngày cận tết do nguồn cung giảm mạnh, vì thế những nông dân trồng dưa có được lợi nhuận cao.
Anh Trần Ngọc Tâm, thương lái thu mua dưa hấu tại quận Cái Răng cho biết, hiện nay, giá dưa đang được thu mua tại ruộng của bà con nông dân từ 7.000 - 8.000 đồng/kg, tăng khoảng 2.000 đồng/kg so với trước đây. Nguyên nhân chủ yếu là do tình hình dịch bệnh tấn công làm giảm sản lượng, nhất là bọ trĩ tấn công trái, tập trung ở các địa phương như huyện Cờ Đỏ, Thới Lai... làm cho nhiều hộ nông dân thu hoạch thất bác, sản lượng sụt giảm nên giá bán tăng....
Trong năm 2019, nông dân thành phố Cần Thơ đã xuống giống được 14.874 ha rau màu, đậu các loại, vượt kế hoạch 18,52% với sản lượng 175.738 tấn, vượt kế hoạch gần 40%; trong đó, diện tích trồng rau màu phục vụ cho thị trường Tết nguyên đán là 1.291 ha.