Nỗ lực quảng bá thương hiệu nông sản Việt Nam tại Nhật Bản

Theo phóng viên TTXVN tại Nhật Bản, với sự hỗ trợ của Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản, các doanh nghiệp Việt Nam đang đẩy mạnh nỗ lực quảng bá nông sản nước ta tại thị trường Nhật Bản.

Sự kiện được tiến hành trong khuôn khổ Lễ hội Việt Nam lần thứ 10 (2008-2018) tổ chức tại Tokyo, trong bối cảnh Việt Nam và Nhật Bản hướng tới lễ kỷ niệm tròn 45 năm ngày hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao (9/1973 – 9/2018).

Khách tham quan một gian hàng của Việt Nam tại hội chợ. Ảnh: Nguyễn Tuyến-Phóng viên TTXVN tại Nhật Bản

Tham tán thương mại, Trưởng Cơ quan Thương vụ Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản Tạ Đức Minh cho biết Việt Nam được đánh giá có thế mạnh về các mặt hàng nông sản như trái cây, cà phê… vì vậy đây cũng là những mặt hàng chủ lực được giới thiệu, quảng bá tại Nhật Bản trong thời gian tới. Theo ông Tạ Đức Minh, hiện tại Việt Nam đã đưa được 3 loại trái cây vào thị trường Nhật Bản gồm thanh long ruột trắng ruột đỏ, xoài và chuối. Ông cho biết trái cây Việt Nam được xuất sang thị trường Nhật Bản đều đáp ứng các quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm của nước sở tại và được người tiêu dùng Nhật Bản đón nhận rất tích cực. Năm 2017, Việt Nam đã xuất được 2.500-3.000 tấn chuối, hơn 1.500 tấn thanh long sang thị trường Nhật Bản.

 
Ông Hidekatsu Ishikawa, Giám đốc Công ty VIENT Co.Ltd, doanh nghiệp Nhật Bản nhập khẩu trái cây Việt Nam vào Nhật Bản, cho biết trái cây Việt Nam như thanh long, xoài, chuối được người tiêu dùng Nhật Bản đánh giá rất cao. Trung bình mỗi năm, công ty của ông nhập khoảng 200 container trái cây Việt Nam vào thị trường Nhật Bản với số tiền lên tới 500 triệu yen (tương đương 4,6 triệu USD). Ông cho rằng một trong những lợi thế của trái cây Việt Nam tại thị trường Nhật Bản là thời gian vận chuyển ngắn, chỉ mất 6 ngày từ Việt Nam đến Nhật Bản nên đảm bảo được độ tươi ngon. Trong thời gian tới, VIENT muốn mở rộng danh mục trái cây Việt Nam nhập vào thị trường Nhật Bản nhằm giúp cho người tiêu dùng Nhật Bản được thưởng thức thêm nhiều trái cây chất lượng cao của Việt Nam.


Bên cạnh đó, ông Hidekatsu Ishikawa cũng đánh giá chất lượng dịch vụ kho vận tại Việt Nam còn hạn chế nên thời gian vận chuyển trái cây từ nơi thu hoạch đến cảng xuất khẩu vẫn còn khá dài. Theo ông, điều này có ảnh hưởng đến doanh thu xuất khẩu trái cây Việt Nam sang thị trường Nhật Bản.


Ông Tạ Đức Minh cho rằng các doanh nghiệp Việt Nam cần đảm bảo chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm, đồng thời nhận định xuất khẩu nông sản Việt Nam sang thị trường Nhật Bản chính là một điều kiện, đồng thời là cơ hội để nông sản Việt Nam tiến vào các thị trường nước ngoài khác.


Theo ông Minh, bộ phận thương vụ Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản có kế hoạch giới thiệu thêm những loại nông sản khác của Việt Nam như vải, nhãn, chôm chôm, măng cụt… Hiện tại, Việt Nam và Nhật Bản trong quá trình đàm phán để xuất khẩu quả vải sang thị trường Nhật Bản.


TTXVN/Báo Tin tức
Phát triển mô hình liên kết doanh nghiệp và hợp tác xã để đẩy mạnh tiêu thụ nông sản
Phát triển mô hình liên kết doanh nghiệp và hợp tác xã để đẩy mạnh tiêu thụ nông sản

Tình trạng nông sản được mùa mất giá, cung vượt quá cầu đã liên tục diễn ra trong nhiều năm qua. Các chuyên gia cho rằng, cần có những giải pháp căn cơ, trong đó có kêu gọi đầu tư trực tiếp vào các hợp tác xã để hỗ trợ tiêu thụ nông sản

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN