Phiên này, giá dầu Brent kỳ hạn tăng 31 xu Mỹ (tương đương 0,4%) lên 76,83 USD/thùng lúc 15 giờ 19 phút (giờ Việt Nam). Giá dầu thô ngọt nhẹ Mỹ (WTI) cũng tăng 31 xu Mỹ (0,4%) lên 72,11 USD/thùng. Cả hai loại dầu tiêu chuẩn đều trên đà tăng khoảng 2% trong tuần này.
Giới quan sát chỉ ra giá dầu Brent vẫn giao dịch thấp hơn 10 USD so với mức đỉnh ghi nhận hồi tháng Tư và duy trì trong khoảng 71-79 USD/thùng kể từ đầu tháng Năm, chủ yếu do lãi suất tăng và dữ liệu kinh tế yếu kém của Trung Quốc.
Ông Edward Moya, nhà phân tích tại nền tảng giao dịch OANDA, cho biết triển vọng nhu cầu dầu thô đang bắt đầu khả quan hơn khi mùa du lịch Hè cao điểm sử dụng xe ở Mỹ sắp đến.
Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) cho biết dự trữ dầu thô của nước này giảm nhiều hơn dự kiến do nhu cầu lọc dầu mạnh, trong khi dự trữ xăng giảm sâu khi nhu cầu lái xe gia tăng vào tuần trước.
Tuy nhiên, đà tăng của giá dầu đã bị hạn chế bởi kỳ vọng rằng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có khả năng tăng lãi suất tại cuộc họp ngày 25-26/7. Điều này có thể ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế chung, từ đó ảnh hưởng đến nhu cầu dầu mỏ.
Trong tuần này, các nhà xuất khẩu dầu hàng đầu thế giới là Saudi Arabia và Nga cũng công bố kế hoạch cắt giảm sản lượng mới cho tháng Tám. Tổng mức cắt giảm của Tổ chức các Nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các nhà sản xuất ngoài khối (nhóm OPEC+) hiện ở mức khoảng 5 triệu thùng/ngày, tương đương với 5% sản lượng dầu toàn cầu.
Các nguồn tin thân cận cho biết OPEC nhiều khả năng sẽ duy trì quan điểm lạc quan về tăng trưởng nhu cầu dầu trong năm tới.
Sang tuần tới, giới đầu tư sẽ tìm kiếm thêm tín hiệu về lộ trình lãi suất từ các số liệu lạm phát tại Mỹ và Trung Quốc.