Dù VN-Index đã giảm về dưới mốc 1.500 điểm, nhưng giới phân tích vẫn kỳ vọng vào sự hồi phục của thị trường trong tuần giao dịch tiếp theo 17/1-21/1.
Áp lực bán đã hạ nhiệt
Công ty cổ phần Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cho rằng, VN-Index tiếp tục được hỗ trợ và trở về trạng thái thăm dò, nhưng nhìn chung thị trường vẫn còn thận trọng trước ảnh hưởng của nhịp sụt giảm gần đây.
Tuy nhiên, áp lực bán đã hạ nhiệt, thể hiện ở việc thanh khoản sụt giảm. Có khả năng VN-Index sẽ tiếp tục hồi phục để kiểm tra lại vùng 1.500 - 1.510 và VN30-Index sẽ hồi phục về vùng 1.530 - 1540.
"Hiện tại yếu tố phân hóa vẫn diễn ra khá mạnh trên thị trường, do vậy nhà đầu tư có thể kỳ vọng nhịp hồi phục, nhưng tạm thời vẫn nên cẩn trọng trước các yếu tố rủi ro và bất ổn của thị trường, đồng thời tiếp tục theo dõi và đánh giá lại trạng thái của thị trường", VDSC khuyến nghị.
Theo Công ty cổ phần Chứng khoán Sài Gòn - Hà Nội (SHS), sau khởi đầu tích cực trong tuần trước thì thị trường đã có sự điều chỉnh trong tuần qua khi mà những tin tức tiêu cực liên quan đến nhóm bất động sản đã xuất hiện trên thị trường.
Điều này đã gây ra áp lực bán mạnh trên nhóm cổ phiếu này, khiến nhiều mã rơi vào trạng thái giảm sàn và một số mã còn bị mất thanh khoản.
Áp lực bán gia tăng trên toàn thị trường cho thấy có thể hoạt động áp lực bán giải chấp đã xuất hiện. Mức thanh khoản cao trong tuần qua đã cho thấy là bên bán đã chiếm ưu thế trong tuần qua, nhưng lực cầu bắt đáy tương đối tốt đã giúp VN-Index không giảm sâu. Bên cạnh đó, khối ngoại quay trở lại mua ròng với hơn 800 tỷ đồng cũng là một điểm tích cực.
Với việc đánh mất ngưỡng 1.500 điểm, rõ ràng là xu hướng của VN-Index đã bị suy yếu nhưng với việc vẫn kết thúc tuần trên vùng hỗ trợ 1.480-1.495 điểm thì vẫn có thể kỳ vọng vào sự hồi phục của thị trường trong tuần giao dịch tiếp theo 17/1-21/1.
Thanh khoản trong tuần tới có thể thấp hơn do một số nhà đầu tư có thể mang tâm lý nghỉ Tết sớm như những năm trước.
Về diễn biến thị trường tuần qua, cổ phiếu bất động sản là nhóm tiêu cực nhất khi chịu ảnh hưởng liên tiếp những thông tin không tích cực, khiến các nhà đầu tư bán mạnh và hàng loạt cổ phiếu giảm sàn trong vài phiên, trước khi có sự hồi phục nhẹ trong phiên cuối tuần.
Có thể kể đến các mã tiêu biểu giảm mạnh trong tuần qua như: IDC giảm 9,1%, SCR giảm 9,8%, DXG giảm 11,7%, NLG giảm 13,2%, DRH giảm 14,5%, ITA giảm 15%, DIG giảm 17,5%, HQC giảm 17,7%, LDG giảm 19,8%, CEO giảm 23,1%, HAR giảm 28,5%, FLC giảm 28,6%, ROS giảm 29,7%...
Trong tình hình rất tiêu cực của nhóm bất động sản thì cổ phiếu ngân hàng đã có sự quay trở lại và là trụ cột của thị trường trong tuần qua để giúp các chỉ số không giảm mạnh, có thể kể đến các đại diện như: BID tăng 12,9%, CTG tăng 6,8%, VCB tăng 4,5%, MBB tăng3,7%, TPB tăng 2,2%, SHB tăng 1,8%...
Trong hoàn cảnh thị trường bị bán tương đối mạnh thì nhóm cổ phiếu chứng khoán cũng bị ảnh hưởng đáng kể với nhiều mã giảm như: SSI giảm 5,6%, HCM giảm 7%, MBS giảm 7,7%, SHS giảm 7,8%, FTS giảm 8,8%, VND giảm 10%, VCI giảm 13,9%...
Kết thúc tuần giao dịch, VN-Index giảm 32,46 điểm xuống 1.496,02 điểm; HNX-Index giảm 26,98 điểm xuống 466,86 điểm. Thanh khoản giao dịch trên hai sàn gia tăng so với tuần trước đó với trung bình 37.500 tỷ đồng giao dịch mỗi phiên trên cả hai sàn.
Về giao dịch theo loại nhà đầu tư, Công ty Chứng khoán Mirae Asset Việt Nam cho biết, nhà đầu tư cá nhân trong nước tiếp tục bán ròng với giá trị khoảng 1,6 nghìn tỷ, gấp hơn 3 lần so với tuần trước đó, trong khi nhà đầu tư tổ chức trong nước tiếp tục mua ròng hơn 900 tỷ, tương đương mức mua ròng của tuần trước đó.
Về khối ngoại, nhà đầu tư nước ngoài mua ròng 714 tỷ đồng, tập trung vào VHM (252 tỷ đồng), KDH (320 tỷ đồng), DXG (202 tỷ đồng) và VIC (177 tỷ đồng). Mặt khác, nhà đầu tự nước ngoài bán ròng mạnh VRE (256 tỷ đồng), CII (240 tỷ đồng) và NVL (161 tỷ đồng).
Điểm tích cực là dòng vốn ngoại đã quay lại nhiều thị trường khu vực trong tuần vừa qua cũng như lũy kế 2 tuần đầu tháng 1. Về dòng vốn các quỹ hoán đổi danh mục (ETFs), tuần qua ghi nhận dòng tiền vào ròng khoảng 1,2 triệu USD, chủ yếu đến từ Quỹ Fubon (1,3 triệu USD), Quỹ Xtrackers (2,3 triệu USD) và Quỹ SSIAM Finlead (2 triệu USD). Ngược lại, Quỹ VFM VN30 và VFM VNDimond rút ròng khoảng 3,4 triệu USD và 1,1 triệu USD.
Nhà đầu tư cá nhân trong nước chiếm tỷ trọng lớn, khoảng gần 89% trong tổng giá trị giao dịch của thị trường, trong khi giao dịch của tổ chức trong nước và khối ngoại chỉ chiếm tỷ trọng lần lượt là 6% và 5%.
Nhận định xu hướng, Công ty Chứng khoán Mirae Asset Việt Nam cho rằng, biến động thị trường có thể gia tăng khi hợp đồng tương lai VN30 đáo hạn hạn. Hơn nữa, thông tin cuộc họp Ủy Ban Thị Trường Mở Liên Bang (FOMC) của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) diễn ra vào ngày 26/1 dự kiến thiên về chiều hướng thắt chặt chính sách tiền tệ, khi lạm phát tăng lên mức cao nhất trong vòng 39 năm trở lại đây sẽ tiếp tục phản ánh tiêu cực vào thị trường. Tuy nhiên, kỳ vọng phục hồi được hỗ trợ bởi chính sách tài khóa và tiền tệ, vẫn là động lực dài hạn cho thị trường.
Lo ngại chính sách tiền tệ thắt chặt
Thực tế, thị trường chứng khoán Việt Nam giảm điểm trong tuần qua giữa bối cảnh các thị trường chứng khoán trên thế giới cũng đi xuống, do lòng tin của nhà đầu tư giảm sút trước khả năng lạm phát tăng và do những lo ngại về triển vọng kinh tế.
Các chỉ số chứng khoán Mỹ chốt phiên cuối tuần trái chiều, nhưng đều khép lại tuần qua với mức giảm mạnh, khi triển vọng lãi suất tăng và số liệu yếu hơn đã gây lo ngại về đà phục hồi của nền kinh tế sau những tác động của đại dịch.
Chỉ số Dow Jones chốt phiên 14/1 giảm 0,6% xuống 35.911,81 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 0,1% lên 4.662,85 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite tăng 0,6% lên 14.893,75 điểm. Trong cả tuần, chỉ số Nasdaq Composite và S&P 500 cùng giảm 0,3%, trong khi chỉ số Dow Jones giảm 0,9%.
Theo Dow Jones Market Data, chỉ số Nasdaq Composite giảm ba tuần liên tiếp, trong khi chỉ số S&P 500 và Dow Jones giảm hai tuần liên tiếp.
Lòng tin của nhà đầu tư trên phố Wall giảm sút trước khả năng lạm phát tăng và do những lo ngại về triển vọng kinh tế.
Các quan chức Fed đã nói đến kế hoạch thắt chặt chính sách tiền tệ thông qua việc tăng lãi suất trong năm nay nhằm hạ nhiệt lạm phát. Những lo ngại về triển vọng kinh tế ngắn hạn cũng đang gây ra biến động trên thị trường.
Chủ tịch chi nhánh Fed tại New York, John Williams, nhận định sự lây lan của biến thể Omicron sẽ làm chậm tốc độ tăng trưởng kinh tế trong vài tháng tới khi người dân hạn chế tham gia các hoạt động đông người. Ông dự báo tăng trưởng kinh tế sẽ chậm lại trong năm nay xuống mức 3,5%, so với mức tăng ước tính 5,5% của năm ngoái.
Bộ Thương mại Mỹ ngày 14/1 công bố báo cáo cho thấy doanh số bán lẻ giảm 1,9% trong tháng 12/2021, vượt mức dự báo giảm 0,1% của các nhà kinh tế tham gia khảo sát của The Wall Street Journal.
Nhà phân tích Giorgio Caputo tại công ty quản lý tài sản J O Hambro Capital Management, có trụ sở tại London (Vương quốc Anh) cho rằng, lạm phát giá tiêu dùng có thể đang gây sức ép lên hoạt động bán lẻ cùng với sự lây lan nhanh của biến thể Omicron.
Ông Williams dự báo lạm phát sẽ giảm xuống khoảng 2,5% trong năm nay, khi tốc độ tăng chậm lại và những gián đoạn của chuỗi cung ứng từng bước được giải quyết.
Trong khi đó, quan chức của Fed Christopher Waller nói rằng có thể có năm lần tăng lãi suất trong năm nay, khi Fed nỗ lực kiềm chế lạm phát.
Tại châu Á, Các thị trường chứng khoán giảm điểm trong phiên 14/1, khi một loạt quan chức của Fed nhấn mạnh đến việc chống lạm phát, gây lo ngại Fed sẽ đẩy nhanh tốc độ tăng lãi suất, có thể với bốn lần tăng trong năm nay.
Chỉ số Nikkei 225 của Nhật Bản giảm 1,3% xuống 28.124,28 điểm. Chỉ số Hang Seng của Hong Kong giảm 0,2% xuống 24.383,32 điểm. Chỉ số Shanghai Composite của Thượng Hải giảm 1% xuống 3.521,26 điểm. Chỉ số Kospi của Hàn Quốc giảm 1,36% xuống 2.921,92 điểm.