Chứng khoán giảm sốc, VN-Index 'đánh rơi' gần 12 điểm

Phiên giao dịch chiều 11/1 diễn ra với áp lực bán tăng mạnh khiến các chỉ số chìm sâu trong sắc đỏ, hàng loạt cổ phiếu chứng khoán, ngân hàng, dầu khí, thép… đều giảm sâu.

Chú thích ảnh
Trong phiên giao dịch ngày 11/1, sắc đỏ đã bao phủ rộng khắp nhóm cổ phiếu ngân hàng khi có tới 19/27 mã giảm điểm; 1 mã đi ngang và chỉ có 7 mã tăng điểm.

Phần lớn thị trường chứng khoán chìm trong sắc đỏ, khi có tới 710 mã giảm giá, 162 mã giao dịch tại mức tham chiếu và chỉ có 324 mã tăng.

Trong đó, nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn giao dịch khá “u ám”, riêng VN30 đánh mất gần 1% giá trị trong phiên chiều 11/1, đặc biệt là các mã VHM, MSN, VIC và GVR. Nhiều mã nhỏ có được cầu bắt đáy mạnh còn quay đầu dội ngược lên giá kịch trần sau phiên giảm sốc hôm qua (10/1). Trong khi đó, phần lớn blue-chips lại tiếp tục giảm sâu hơn.

Tuy nhiên, hàng loạt mã bất động sản đều tăng khá như: LDG, SGR, DIG, CEO, VPH, DC4, HDC, TCH, DXG, DRH. Riêng L14 tăng kịch trần lên 414.700 đồng/cổ phiếu để xác lập mức cao nhất về thị giá hiện nay.

Các mã FLC, ROS chiều 11/1 vẫn nỗ lực mua, nhưng chỉ đẩy thanh khoản lên, còn giá không thay đổi được nhiều. ROS đóng cửa vẫn kịch sàn, dù có thêm 477,1 tỷ đồng thanh khoản ở giá sàn. FLC vẫn đứng im giá 19.900 đồng, giảm 5,91% sau khi có trên 1.421,7 tỷ đồng giao dịch buổi chiều.

Kết phiên chiều 11/1, VN-Index đóng cửa mất thêm 11,4 điểm (0,76%) xuống 1.492,31 điểm. Tương tự, HNX-Index rơi 0,27% về mức 481,61 điểm. Ngược lại, UPCoM-Index lại diễn biến tích cực khi tăng 0,21% lên 114,5 điểm.

Thanh khoản chủ yếu tăng mạnh ở nhóm FLC nhưng hụt hơi trên toàn thị trường. Tổng giá trị khớp lệnh giảm gần 17% so với phiên hôm qua chỉ đạt 39.383 tỷ đồng, trong đó giá trị khớp lệnh riêng sàn HoSE giảm hơn 12% về mức 34.628 tỷ đồng. Khối ngoại mua ròng trở lại gần 100 tỷ đồng trên sàn HoSE.

Chú thích ảnh
Trên thị trường chứng khoán Việt Nam, nhóm cổ phiếu ngân hàng chiếm khoảng 25% tổng giá trị vốn hóa thị trường. 

Theo Công ty cổ phần chứng khoán SSI, rủi ro nợ xấu và khả năng tăng trưởng lợi nhuận chậm lại trong 6 tháng đầu năm 2022 đã phản ánh một phần vào giá cổ phiếu ngân hàng, giúp định giá quay về mức hợp lý hơn. 

Chỉ số P/B (chỉ số giá/trên giá trị sổ sách) năm 2022 các ngân hàng trong phạm vi nghiên cứu của SSI đang ở mức 1,6 lần, cao hơn so với mức trung bình trong lịch sử là do nhà đầu tư trả cho năng lực tài chính, khả năng phục hồi và lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu (ROE) tốt hơn so với chu kỳ tín dụng trước đây. ROE năm 2022 đối với các ngân hàng trong phạm vi nghiên cứu ước đạt 19% so với mức 10,5 - 18% trong giai đoạn 2015 - 2020.

 Hơn 304,7 triệu cổ phiếu (mã: EVF) của Công ty Tài chính cổ phần Điện lực (EVNFinance) được chấp thuận niêm yết trên sàn HoSE ngày 21/12/2021 và sẽ chính thức giao dịch kể từ ngày 12/1/2022. Giá tham chiếu trong ngày giao dịch đầu tiên là 19.050 đồng/cổ phiếu, biên độ dao động giá trong ngày giao dịch đầu tiên là +/-20% giá tham chiếu.
Tin, ảnh: Minh Phương/Báo Tin tức
HoSE nói gì về sự cố nghẽn lệnh chứng khoán?
HoSE nói gì về sự cố nghẽn lệnh chứng khoán?

Tối 10/1, Sở Giao dịch chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh (HoSE) đã ra thông báo phản hồi về sự cố nghẽn lệnh trong phiên giao dịch chiều cùng ngày.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN