Theo đó, nhóm cổ phiếu bất động sản vẫn duy trì đà tăng mạnh từ phiên sáng. Các mã CEO, DIG, DRH, LDG, LGL, QCG, NVT, SZG tăng lên trần. Các mã khác như: AMD, BCM, NBB, LHG, HQC, IDC, IDJ, ITA... tăng mạnh.
Các mã lớn trong ngành bất động sản như: KDH tăng 6,7%, đặc biệt 3 mã cổ phiếu họ Vingroup là VIC tăng tới 6,2%, VHM tăng 3,8%, VRE tăng 3,5%.
Nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn nới rộng đà tăng vào phiên chiều. Trong rổ cổ phiếu VN30 có 23 mã tăng giá, 5 mã giảm giá và 2 mã đứng ở tham chiếu. Các mã tăng mạnh như: POW tăng 6,9% lên giá trần, GAS tăng tới 5,9%, SAB tăng 4%.
Nhóm cổ phiếu ngân hàng và chứng khoán vẫn giữ được sự tích cực khi sắc xanh chiếm ưu thế. Tại nhóm cổ phiếu dầu khí, các mã nới rộng đà tăng từ phiên sáng. Cụ thể, BSR, OIL, PLX, POS, PTV, PVB, PVC, PVD, PVC, TOS có mức tăng mạnh.
Điểm tích cực nữa là khối ngoại mua ròng trên toàn thị trường. Theo đó, khối ngoại mua ròng 431,12 tỷ đồng trên HOSE, 23,66 tỷ đồng trên HNX và 22,69 tỷ đồng trên UPCOM.
Chốt phiên giao dịch ngày 4/1, VN-Index tăng 27,3 điểm lên 1.525,58 điểm, là mốc cao nhất của chỉ số này. Khối lượng giao dịch đạt hơn 891,2 triệu cổ phiếu, tương ứng hơn 28.616,4 tỷ đồng. Toàn sàn có 332 mã tăng giá, 137 mã giảm giá và 47 mã đứng giá.
HNX-Index tăng 0,11 điểm lên 474,1 điểm. Khối lượng giao dịch đạt hơn 99,6 triệu đơn vị, tương đương 2.863,3 tỷ đồng. Toàn sàn có 144 mã tăng giá, 90 mã giảm giá và 55 mã đứng giá.
UPCOM-Index tăng 1,04 điểm lên 113,72 điểm. Khối lượng giao dịch đạt hơn 111,8 triệu đơn vị, tương ứng 2.535 tỷ đồng. Toàn sàn có 219 mã tăng giá, 132 mã giảm giá và 65 mã đứng giá.
Thực tế, tâm lý hưng phấn của giới đầu tư diễn ra ngay khi mở cửa phiên giao dịch phiên 4/1, khi trước đó phiên 3/1, các chỉ số chứng khoán Mỹ lên mốc cao kỷ lục mới.
Bên cạnh đó, sáng nay, tại kỳ họp Quốc hội bất thường, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, thừa ủy quyền của Thủ tướng trình bày tờ trình về dự thảo nghị quyết về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ triển khai Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.
Quy mô gói chính sách tài khóa, tiền tệ để hỗ trợ chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội được Chính phủ trình Quốc hội lên tới 291.000 tỷ đồng, với nhiều chính sách hỗ trợ các ngành sản xuất, doanh nghiệp và thúc đẩy đầu tư phát triển.
Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế được thực hiện nhằm mục tiêu khôi phục nhanh chuỗi sản xuất, cung ứng, lao động; thúc đẩy các động lực tăng trưởng, phấn đấu đạt mục tiêu tăng trưởng bình quân từ 6,5-7% trong giai đoạn 2021-2025.
Với mục tiêu đưa ra, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết chương trình sẽ bao gồm 5 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu gắn với quy mô thực hiện từng gói; trong đó, dành 60.000 tỷ đồng để mở cửa nền kinh tế gắn với đầu tư nâng cao năng lực y tế, phòng, chống dịch bệnh.