Nhận định chứng khoán đầu năm Canh Tý: VN - Index hướng đến mục tiêu 1.000 điểm

“Trong tuần giao dịch đầu tiên của năm Canh Tý 2020 (với chỉ hai phiên ngày 30 và 31/1), VN - Index có thể sẽ tiếp tục xu hướng tăng điểm với mục tiêu là ngưỡng kháng cự tâm lý mạnh quanh 1.000 điểm”. Đây là nhận định của nhóm phân tích tới từ Công ty cổ phần Chứng khoán Sài Gòn – Hà Nội (SHS) về thị trường chứng khoán Việt Nam trong tuần giao dịch tới.

Chú thích ảnh
Nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán Việt Nam trong một phiên giao dịch. Ảnh: TTXVN

Nhóm phân tích tới từ SHS cho rằng, thị trường giao dịch tích cực trong phiên cuối cùng của năm Kỷ Hợi 2019, với mức tăng tốt trên cả hai chỉ số chính. Kết thúc phiên giao dịch, VN - Index tăng 0,52% lên 991,46 điểm; HNX - Index tăng 0,65% lên 106,28 điểm.

Bên cạnh đó, việc khối ngoại tiếp tục mua ròng trong các phiên gần đây được kỳ vọng sẽ tiếp tục hỗ trợ thị trường trong thời gian tới.

Thực tế, phiên cuối cùng của năm kỷ hợi khối ngoại mua ròng gần 101 tỷ đồng trên toàn thị trường. Đặc biệt, trên sàn HoSE, khối ngoại tiếp tục mua ròng gần 79 tỷ đồng (gấp 4,7 lần giá trị mua ròng của phiên trước). Đây cũng là phiên mua ròng trong 5 phiên liên tiếp của khối ngoại trên sàn này với tổng giá trị 722 tỷ đồng.

Nhóm phân tích từ SHS cho rằng, phiên giao dịch cuối cùng của năm Kỷ Hợi 2019 đã diễn ra tích cực với việc nhiều mã trụ cột đồng loạt tăng điểm để kéo thị trường chung. Nhà đầu tư phần nào đó đã quyết định mua trước cổ phiếu nhằm đón đầu xu hướng tăng của thị trường có thể diễn ra sau kỳ nghỉ Tết.

“Trên góc độ phân tích kỹ thuật, sau khi vượt thành công ngưỡng 980 điểm thì mục tiêu tiếp theo mà VN - Index có thể hướng đến là ngưỡng tâm lý mạnh 1.000 điểm”. SHS nhận định.

Thực tế, dòng tiền đang đổ vào nhóm cổ phiếu trụ cột mà tiêu biểu nhất là các cổ nhóm ngân hàng đã giúp cho thị trường tăng điểm.

Cụ thể, tuần qua (từ 20 - 22/1), BID tăng 3,7%, CTG (2,6%), ACB (2,9%), MBB (1,8%), STB (2,8%), SHB (5,5%), VPB (7,6%)… Trong khi đó, nhóm cổ phiếu dầu khí cũng diễn biến tích cực. Theo đó, GAS tăng 1,7%, PLX (1,9%), PVB (2,2%), PVC (1,6%), PVS (1,6%), PVD (2,1%)…

Thị trường còn nhận được sự hỗ trợ tích cực từ các mã vốn hóa lớn như: VHM tăng 3,8%, MWG (2,7%), BVH (1,7%), VNM (2,2%)…Thị trường chung tích cực cũng giúp nhóm cổ phiếu chứng khoán tăng. Cụ thể, HCM tăng 2,7%, CTG (2,6%), SSI (0,3%)…

Như vậy, nhìn chung sự tích cực đang lan tỏa ra các nhóm và các mã cổ phiếu quan trọng. Nội tại thị trường đang khá vững vàng. Tuy nhiên, vẫn còn một số lo ngại từ tình hình thế giới cần tính tới.

Thị trường tài chính toàn cầu chao đảo vì dịch bệnh do virus corona. Theo phóng viên TTXVN tại Seoul, Đài phát thanh và truyền hình KBS đưa tin, kể từ khi bệnh nhân thứ hai nhiễm virus corona chủng mới, còn gọi là bệnh viêm phổi Vũ Hán, được phát hiện tại Hàn Quốc, lo ngại về tác động tiêu cực của tình hình dịch bệnh lên nền kinh tế ngày càng gia tăng. Thị trường tài chính toàn cầu đang chao đảo vì dịch viêm phổi Vũ Hán.

Trong phiên giao dịch đầu tiên sau Tết Nguyên đán ngày 28/1, chỉ số chứng khoán đã có xu hướng giảm, trong khi tỷ giá hối đoái won-USD tăng mạnh. Tình hình dịch bệnh lây lan ngày càng nghiêm trọng đã làm dấy lên lo ngại về nền kinh tế, bởi do tác động của dịch bệnh, hoạt động kinh tế sẽ giảm sút gây ra bất ổn thị trường và triển vọng tăng trưởng kinh tế cũng giảm. Chịu thiệt hại đầu tiên chính là các ngành dịch vụ như du lịch, kinh doanh khách sạn và nhà hàng.

Trước đó, khi virus gây Hội chứng viêm đường hô hấp cấp tính (SARS) và virus gây Hội chứng viêm đường hô hấp cấp vùng Trung Đông (MERS) lây lan mạnh ở Hàn Quốc, ngành dịch vụ đã phải hứng chịu thiệt hại.

Trong đợt bùng phát SARS năm 2002-2003, tỷ lệ tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc và Hong Kong đều giảm khoảng 3%. Đặc biệt là vào năm 2003, du lịch của Trung Quốc lần đầu tiên tăng trưởng âm trong vòng 10 năm, và các lĩnh vực trong ngành này đều chịu ảnh hưởng tiêu cực.

Các chuyên gia nhận định so với dịch bệnh SARS, dịch viêm phổi do chủng virus corona mới có khả năng gây thiệt hại nghiêm trọng hơn đối với kinh tế toàn cầu, vì Trung Quốc đang chiếm tỷ trọng lớn trong nền kinh tế thế giới.

Bên cạnh đó, về nội tại diễn biến thị trường, việc VN – Index đang tiến dần mốc 1.000 điểm là vùng “nhạy cảm” với tâm lý nhà đầu tư.

Các nhà phân tích tới từ Công ty cổ phần Chứng khoán Tân Việt (TVSI) lưu ý về khả năng diễn biến điều chỉnh có thể xuất hiện khi chỉ số đã tiến vào vùng kháng cự mạnh 990 – 1.000 điểm.

“Nhà đầu tư ngắn hạn có thể cân nhắc chốt lời nếu thị trường phát tín hiệu suy yếu trong những phiên tới. Vùng kháng cự 990 - 1.000 điểm. Vùng hỗ trợ gần nhất 978 – 983 điểm”, TVSI khuyến nghị.

Văn Giáp (TTXVN)
Bất động sản và chứng khoán có thể không còn là kênh đầu tư hấp dẫn trong năm 2020
Bất động sản và chứng khoán có thể không còn là kênh đầu tư hấp dẫn trong năm 2020

Theo nhận định của các chuyên gia, năm 2020 sẽ là năm khó khăn của dòng tiền, khi hiệu quả các kênh đầu tư đều có xu hướng giảm và rủi ro gia tăng. Trong đó, chứng khoán và bất động sản là hai kênh tiềm ẩn nhiều rủi ro nhất.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN