Nhà đầu tư tiếp tục bán tháo, VN-Index rơi hơn 33 điểm

Bối cảnh dịch COVID-19 bùng phát mạnh, chứng khoán thế giới tối 12/3 (theo giờ Việt Nam) đã chứng kiến phiên bán tháo khiến các chỉ số lao dốc mạnh và xác lập phiên giảm lịch sử. Tại thị trường trong nước, tâm lý sợ hãi của nhà đầu tư vẫn bao trùm sáng 13/3. Vào lúc 11 giờ 30 ngày 13/3, VN-Index đã "bốc hơi" hơn 33,32 điểm so với cùng thời điểm phiên ngày 12/3 với 735,93 điểm, còn HNX rơi 3,68 điểm, đứng ở mốc 98,43 điểm. 

Chú thích ảnh
Sắc đỏ bao trùm tại sàn giao dịch chứng khoán New York, Mỹ khiến thị trường chứng khoán Việt Nam bị tác động mạnh. Ảnh: THX/TTXVN.

Ngay khi thị trường chứng khoán mở cửa, lệnh bán giá sàn được ồ ạt tung ra, hầu hết cổ phiếu lớn nhỏ đều giảm hết biên độ (7 - 10%), kể cả những bluechips được thị trường rất "yêu thích" như VNM, VCB, BID, ACB, VJC, VIC, MSN...

Hơn 9 giờ ngày 13/3, chỉ số VN-Index giảm 43,41 điểm (5,64%) xuống 725,84 điểm; HNX-Index giảm 3,93% xuống 97,91 điểm và UPCom-Index giảm 2,49% xuống 49,65 điểm. Khối ngoại hiện bán ròng 55 tỷ đồng trên toàn thị trường. Trong rổ cổ phiếu VN30 (30 mã cổ phiếu có ảnh hưởng lớn nhất lên chỉ số VN-Index) thì cả 30 mã giảm giá; trong đó có tới 8 mã giảm xuống mức giá sàn. Các mã giảm sàn như BVH, MWG, PNJ, VIC, VRE... Nhóm cổ phiếu ngân hàng cũng diễn biến rất tiêu cực, tất cả các mã ngân hàng đều giảm giá; trong đó có nhiều mã giảm sàn như: VCB, TPB, BID, HDB, EIB.... Nhóm cổ phiếu ngân hàng cũng đồng loạt giảm sàn. Cụ thể là các mã GAS, PLX, PVB và PVD...

Phần lớn các công ty chứng khoán đều đưa ra nhận định tiêu cực về thị trường thời điểm này nhưng không đưa ra khuyến nghị mua hay bán cho các nhà đầu tư.

Kể từ sau khi Việt Nam công bố ca mắc COVID-19 thứ 17, cũng là ca đầu tiên tại Hà Nội cuối tuần trước, thị trường chứng khoán Việt Nam đã liên tục lao dốc. Trong 4 phiên giao dịch tuần này (từ đầu tuần đến phiên thứ Năm), chỉ số VN-Index đã mất hơn 122 điểm, tương ứng giảm 13,77%, HNX-Index giảm gần 12 điểm. Qua đó, khiến vốn hóa thị trường “bốc hơi” khoảng 552.000 tỷ đồng, tương ứng khoảng 23,8 tỷ USD.

Trước tình hình này, lãnh đạo Ủy ban chứng khoán Nhà nước (UBCK) đã lên tiếng để trấn an tâm lý nhà đầu tư. 

Ông Trần Văn Dũng, Chủ tịch UBCK cho biết: Thị trường chứng khoán Việt Nam suy giảm mạnh nằm trong bối cảnh suy giảm chung của thị trường chứng khoán khu vực và quốc tế. “Nhà đầu tư hãy bình tĩnh, tin vào nội lực doanh nghiệp và nền kinh tế, không nên bán tháo lúc này”, ông Trần Văn Dũng nói. 

Trước tình trạng nhiều cổ phiếu rơi về vùng giá thấp, lãnh đạo một số doanh nghiệp và người có liên quan đã công bố nhu cầu mua vào cổ phiếu, chẳng hạn tại HPG. Cùng với đó, một số doanh nghiệp niêm yết đang có nhu cầu mua vào cổ phiếu của chính mình làm cổ phiếu quỹ. 

Về phía UBCK, ông Trần Văn Dũng khẳng định: Cơ quan này sẽ xử lý hồ sơ mua cổ phiếu quỹ của doanh nghiệp trong vòng 1 ngày, thay vì xử lý trong vòng 7 ngày như quy định tại Thông tư 162/2015/TT-BTC.

“Các doanh nghiệp có nhu cầu mua cổ phiếu quỹ cần làm đúng hồ sơ pháp lý theo Thông tư 162. Chúng tôi cam kết sẽ hỗ trợ doanh nghiệp tối đa, hoàn tất thủ tục chấp thuận cho doanh nghiệp trong vòng 1 ngày”, ông Trần Văn Dũng nói.

Để chia sẻ khó khăn với các thành viên thị trường trong bối cảnh chịu ảnh hưởng tiêu cực do dịch COVID-19 gây ra, lãnh đạo UBCK sẽ báo cáo Bộ Tài chính xem xét cắt giảm một số loại giá dịch vụ chứng khoán.

Trước đó, nhiều thành viên thị trường như công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ, Hiệp hội Kinh doanh chứng khoán Việt Nam, nhà đầu tư mới đây đã kiến nghị UBCK, Bộ Tài chính xem xét giảm giá dịch vụ trong lĩnh vực chứng khoán. Riêng nhà đầu tư cá nhân, ngoài mong muốn được giảm phí dịch vụ, họ còn kiến nghị các cấp có thẩm quyền khắc phục tình trạng đầu tư thua lỗ nhưng vẫn phải nộp thuế thu nhập cá nhân đối với hoạt động giao dịch chứng khoán… Mức giá dịch vụ trong lĩnh vực chứng khoán hiện hành được quy định tại Thông tư 127/2018/TT-BTC của Bộ Tài chính.

Công ty chứng khoán đã phải nộp khá nhiều khoản cho sở giao dịch chứng khoán như giá dịch vụ quản lý thành viên giao dịch 20 triệu đồng/năm; giá dịch vụ kết nối lần đầu với sở giao dịch chứng khoán 150 triệu đồng/thành viên (nộp một lần duy nhất); giá dịch vụ duy trì kết nối định kỳ 50 triệu đồng/thành viên/năm… Ðó là chưa kể công ty chứng khoán tham gia thị trường chứng khoán phái sinh còn phải nộp cho sở giao dịch chứng khoán khoản giá dịch vụ đăng ký thành viên giao dịch chứng khoán phái sinh 20 triệu đồng, giá dịch vụ quản lý thành viên giao dịch chứng khoán phái sinh 20 triệu đồng/năm…

Đại diện Bộ Tài chính, ông Nguyễn Anh Tuấn, Cục trưởng Cục quản lý giá cho hay: Đơn vị sẽ cùng UBCK tham mưu đề xuất Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành Thông tư 127/2018/TT-BTC. Ngay sau khi nhận được phương án đề xuất giảm giá dịch vụ chứng khoán của UBCK, với những giải trình, thuyết minh có căn cứ và thuyết phục, Cục Quản lý giá sẽ xem xét cụ thể, để có trình Bộ trưởng Bộ Tài chính xem xét quyết định.

Theo ông Nguyễn Xuân Bách, Phụ trách phân tích chiến lược thị trường, Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC), thời gian tới, xu hướng trung hạn của thị trường chứng khoán nhiều khả năng tiếp tục suy giảm nhưng về mặt ngắn hạn, VN-Index có cơ hội bước vào nhịp hồi phục. Theo đó, các nhà đầu tư đang nắm giữ tiền mặt có thể xem xét mở các vị thế mua với tỷ trọng thấp, ưu tiên các vị thế có sẵn trong danh mục khi VN-Index đã giảm sâu. Ðối với các nhà đầu tư đang có tỷ trọng cổ phiếu cao vẫn nên xem xét giảm tỷ trọng trong các phiên tăng điểm của thị trường.

"Không ít doanh nghiệp bị tác động bởi dịch có thể không thể phục hồi. Do đó, nhà đầu tư cần tập trung lựa chọn cổ phiếu của các doanh nghiệp lớn, có tiềm lực tài chính và thị phần lớn. Các doanh nghiệp này sẽ có đủ tiềm lực để sống cùng dịch và khi dịch qua đi, họ mới chính là những doanh nghiệp có cơ cơ hội bán hàng mạnh mẽ nhất và phát triển nhất", ông Nguyễn Hữu Bình, chuyên gia chứng khoán nói. 

Minh Phương/Báo Tin tức
Thị trường chứng khoán Âu - Mỹ giảm điểm mạnh nhất trong hàng chục năm
Thị trường chứng khoán Âu - Mỹ giảm điểm mạnh nhất trong hàng chục năm

Các thị trường chứng khoán toàn cầu lại lao dốc trong phiên 12/3, với một số thị trường giảm điểm mạnh nhất trong nhiều thập niên, khi các biện pháp khẩn cấp mà các ngân hàng trung ương thực hiện đã không xoa dịu được lo ngại trước những thiệt hại kinh tế gia tăng do dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN