Chốt phiên chiều 3/10, VN-INdex giảm hơn 37 điểm xuống còn 1.118,10 điểm; HNX-Index giảm hơn 10 điểm xuống còn 226,68 điểm. Toàn thị trường có gần 700 mã giảm giá, 774 mã đứng giá và gần 120 mã tăng giá. Khối lượng giao dịch toàn thị trường đạt hơn 1.201 triệu cổ phiếu, tương đương giá trị thanh khoản hơn 24.745 tỷ đồng.
Trước đó, trong phiên sáng, toàn bộ mã có thanh khoản trăm tỷ đều giảm từ 4% trở lên gồm SSI, VND, SHS, VIX, VCI, và HCM. Các cổ phiếu có thanh khoản trung bình cũng giảm từ 3 - 6%. SSI là mã được giao dịch nhiều nhất thị trường sáng nay với hơn 610 tỷ đồng. Thị giá mã này mất 4% so với tham chiếu, bên bán chủ động chiếm hơn hai phần ba lượng khớp lệnh.
Nhóm thép cũng đi xuống khi phần lớn các mã đều giảm từ 3% trở lên. Trong đó, HPG - cổ phiếu có thanh khoản cao thứ hai toàn thị trường, đi lùi 4,6% với gần 70% khớp lệnh là bán chủ động. Đây cũng là mã góp mức giảm nhiều thứ hai cho VN-Index. Hai cổ phiếu HSG và NKG lần lượt giảm 6% và 5% so với tham chiếu.
Các mã trụ của ngành bất động sản cũng sụt hơn 4% thị giá trong sáng nay. Riêng DIG và DXG dẫn đầu về thanh khoản, lần lượt giảm 6,2% và 6,3%. VIC đóng cửa trước giờ nghỉ trưa ở 45.000 đồng một đơn vị, mất 4,1%, đây là cổ phiếu góp mức giảm nhiều nhất cho thị trường.
Sang đầu giờ chiều, áp lực bán tháo tiếp tục dâng cao khiến nhiều mã có lúc nằm sàn, trong đó có DIG, VIX, GEX, NVL, DXG, HSG. Nhiều mã vốn có thanh khoản lớn nhưng xuất hiện tình trạng trắng bên mua. Nhóm chứng khoán và thép tiếp tục gây ảnh hưởng tiêu cực nhất cho thị trường.
Khoảng 13 giờ 20 phút, VN-Index giảm hơn 36 điểm, chính thức thủng 1.120 điểm - mốc hỗ trợ quan trọng của xu hướng tăng giá (uptrend) thời gian qua. Đến 14 giờ 36 phút, VN-Index "bốc hơi" gần 40 điểm. Đà giảm điểm hôm nay có diễn biến xấu hơn hẳn những kịch bản mà nhiều công ty chứng khoán đưa ra gần đây.
Công ty Chứng khoán VNDirect cho rằng, thị trường giảm điểm bởi những áp lực từ rủi ro vĩ mô dần gia tăng. Điển hình, Fed bỏ ngỏ về khả năng tiếp tục tăng lãi suất điều hành trong năm 2023 và đà tăng của lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ gây áp lực lên tỷ giá USD/VND. Đồng thời, thị trường phản ứng với thông tin NHNN phát hành tín phiếu nhằm hút bớt thanh khoản khỏi hệ thống để hỗ trợ đồng tiền nội tệ. Ngoài ra, áp lực chốt lời, hạ tỷ trọng margin của nhà đầu tư sau chuỗi tăng điểm là một phần nguyên nhân khiến chứng khoán giảm mạnh.
Theo thống kê của Sở Giao dịch chứng khoán TP Hồ Chí Minh (HOSE), kết thúc phiên giao dịch cuối cùng của tháng 9/2023, chỉ số VN-Index đạt 1.154,15 điểm, giảm 5,71% so với tháng 8. Tương tự, VNAllshare đạt 1.160,57 điểm, giảm 5,71%; VN30 đạt 1.166,26 điểm, giảm 5,53%.
Bên cạnh chỉ số giảm điểm, thanh khoản thị trường cổ phiếu tháng 9 cũng ghi nhận giảm 2,73% về khối lượng nhưng tăng 5,56% về giá trị giao dịch bình quân phiên so với tháng 8/2023. Cụ thể, khối lượng giao dịch bình quân phiên đạt hơn 967,76 triệu cổ phiếu với giá trị giao dịch bình quân phiên 23.298 tỷ đồng.
Tính cả quý 3/2023, giá trị giao dịch cổ phiếu bình quân đạt 21.174 tỷ đồng với khối lượng giao dịch bình quân đạt hơn 946,94 triệu cổ phiếu; tương ứng tăng 56,04% về giá trị bình quân và tăng 71,62% về khối lượng bình quân so với cùng kỳ năm 2022.
Trong tháng 9/2023, thanh khoản của chứng quyền có đảm bảo (CW) tiếp tục ghi nhận sự tăng trưởng với khối lượng giao dịch bình quân phiên CW đạt khoảng 55,64 triệu CW, tương ứng giá trị giao dịch bình quân phiên đạt hơn 71,7 tỷ đồng, tăng 20,4% về khối lượng bình quân và tăng 11,8% về giá trị giao dịch bình quân so với tháng 8/2023.
Ngoài ra, tổng giá trị giao dịch của nhà đầu tư nước ngoài trong tháng đạt trên 60.147 tỷ đồng, chiếm hơn 6,79% tổng giá trị giao dịch cả chiều mua và bán của toàn thị trường. Nhà đầu tư nước ngoài cũng đã thực hiện bán ròng trong tháng với giá trị hơn 3.478 tỷ đồng.
Tính đến hết ngày 29/9/2023, HOSE có 601 mã chứng khoán niêm yết, trong đó gồm 394 mã cổ phiếu, 3 mã chứng chỉ quỹ đóng, 14 mã chứng chỉ quỹ ETF và 190 mã chứng quyền có bảo đảm. Tổng khối lượng cổ phiếu đang niêm yết đạt trên 146,42 tỷ cổ phiếu. Giá trị vốn hóa đạt hơn 4,62 triệu tỷ đồng, giảm 5,62% so với tháng trước, chiếm hơn 93,69% tổng giá trị vốn hóa niêm yết toàn thị trường và tương đương 48,57% GDP năm 2022 (GDP theo giá hiện hành).
Hiện nay, HOSE có 42 doanh nghiệp có vốn hóa hơn 1 tỷ USD, trong đó Ngân hàng Thương mại Cổ phần Ngoại thương Việt Nam là doanh nghiệp duy nhất có vốn hóa đạt gần 20 tỷ USD.