Trên nương chè rộng gần 1 ha, gia đình chị Lò Thị Von, ở bản tái định cư Mường Chiên, xã Phỏng Lái đang tất bật thu hái. Những đôi bàn tay thoăn thoắt hái những ngọn chè tươi vào vụ thu hoạch. Thời điểm này, những búp chè đã đạt yêu cầu về tiêu chuẩn chất lượng để được thu hái.
Chuyển từ huyện Quỳnh Nhai, tỉnh Sơn La về đây từ năm 2006 theo chương trình di dân tái định cư Thủy điện Sơn La, ban đầu gia đình chị Von đã gặp không ít khó khăn bởi chưa quen nơi ở mới và không biết làm gì để phát triển kinh tế. Nhưng sau đó, theo chính sách của nhà nước, gia đình chị đã được cấp gần 1 ha đất sản xuất. Cùng với sự hỗ trợ của địa phương, gia đình chị đã mua giống cây chè về trồng. Sau 2 năm chăm sóc, cây chè đã cho thu hoạch những lứa đầu tiên.
Người dân tại tiểu khu Cờ Đỏ, thị trấn nông trường Mộc Châu thu hái chè tươi. Ảnh: Công Luật - TTXVN |
Chị Lò Thị Von cho biết, trung bình, 1 ha chè cho thu hái khoảng 12 lần trong một năm, trừ chi phí và công thuê hái thì cho lãi từ 30 đến 50 triệu đồng. Đến nay, sau 10 năm sinh sống trên quê hương mới, gia đình chị đã ổn định cuộc sống và có “của ăn, của để”.
Nhận thấy cây chè mang lại thu nhập ổn định, từ vài hộ trồng ban đầu, đến nay, hàng trăm hộ dân tái định cư đã "nhập cuộc". Cây chè với đặc tính dễ chăm sóc, không mất nhiều chi phí và thời gian cho thu hoạch ngắn nên được người dân tin tưởng loại cây này sẽ giúp họ có cuộc sống khấm khá hơn và yên tâm sản xuất, gắn bó với nơi ở mới.
Chị Hoàng Thị Ái, người dân bản tái định cư Mường Chiên chia sẻ, về đây nơi ở mới có đất sản xuất, lại có cây chè để trồng nên thu nhập ổn định. Gia đình đã yên tâm gắn bó với bản tái định cư, không còn lo lắng về cuộc sống nữa. Chị Ái có nguyện vọng được tiếp tục hỗ trợ để cây chè có đầu ra ổn định, người dân yên tâm sản xuất.
Phát triển bền vững và đưa cây chè trở thành thế mạnh của địa phương là nỗ lực đang được người dân và chính quyền ở xã Phổng Lái thực hiện. Để thực hiện mục tiêu này, người dân và các cơ quan chức năng cần đề ra quy trình sản xuất sạch, đảm bảo chất lượng chứ không chỉ dựa trên việc sản xuất thủ công và kinh nghiệm như hiện nay.
Theo đánh giá của các cơ sở thu mua, sơ chế chè trên địa bàn xã Phổng Lái thì thị trường chè sạch tại các nước trên thế giới và trong khu vực rất lớn. Nếu người dân thực hiện sản xuất chè đảm bảo đúng kỹ thuật, không tồn dư các chất bảo vệ thực vật trong sản phẩm thì sẽ có đầu ra ổn định.
Bà Nguyễn Thị Bình, Phó Giám đốc Hợp tác xã Bình Thuận, huyện Thuận Châu, tỉnh Sơn La cho biết, hiện nay giá chè đang ổn định với mức 7.000 đồng/1kg chè búp tươi, nhưng với điều kiện chè sạch, không có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật. Nếu phát hiện ra chè không đảm bảo yêu cầu, các cơ sở thu mua sẽ không tiếp nhận và người dân sẽ chịu ảnh hưởng. Vì vậy, bà Bình khuyến cáo người dân cần sử dụng thuốc trừ sâu, bón phân đúng cách để đầu ra ổn định và thu nhập đảm bảo.
Hiện xã Phổng Lái có gần 520 ha chè; trong đó có gần 350 ha chè đang cho thu hoạch, sản lượng búp tươi đạt hơn 20.000 tấn/năm. Nhờ đầu tư thâm canh nên nhiều hộ gia đình đã có của ăn của để, thoát nghèo và vươn lên làm giàu chính đáng. Tỷ lệ hộ nghèo của xã đã giảm xuống dưới mức 20% và ngày càng nhiều hộ vươn lên khá, giàu.
Ông Sùng A Mang, Phó Chủ tịch UBND xã Phổng Lái cho biết, cùng với việc sản xuất chè sạch, đáp ứng yêu cầu kỹ thuật của ngành nông nghiệp đề ra, xã đã đưa công nghệ tưới nhỏ giọt Israel vào thử nghiệm trên 6 ha cây chè. Kết quả ban đầu cho thấy, năng suất cây chè đã có sự tăng trưởng vượt trội, cao hơn gần 20% so với việc chăm sóc truyền thống.
Đây cũng là mô hình sẽ được triển khai trong thời gian tới nhằm nâng cao năng suất và thu nhập cho người dân. Ngoài ra, xã đã có kế hoạch liên kết với các chủ doanh nghiệp để ổn định nguồn thu, bao tiêu sản phẩm chè sau thu hái; giúp người dân yên tâm sản xuất và ổn định đời sống.