Bà Borzan viết: “Mặc dù lạm phát không còn ở mức kỷ lục, một xu hướng mới được gọi là "lạm phát tiết kiệm" đã xuất hiện tại các siêu thị trên khắp EU. Đáng chú ý là với tình trạng lạm phát tiết kiệm, không giống như lạm phát và lạm phát thu hẹp (shrinkflation), các nhà sản xuất không chỉ tăng giá mà còn giảm chất lượng sản phẩm của họ”.
Theo bà Borzan, sau khi bùng nổ xung đột ở Ukraine, nhiều sản phẩm thực phẩm sử dụng nguyên liệu chất lượng cao hơn đã được thay thế bằng những sản phẩm có chất lượng thấp hơn. Bà cho rằng ban đầu biện pháp này được coi là tạm thời, tuy nhiên nó vẫn được áp dụng cho đến ngày nay. Bà Borzan giải thích: “Ví dụ, sự thiếu hụt dầu hướng dương đã dẫn đến việc thay thế dầu hướng dương bằng dầu cọ trong một số sản phẩm. Dù thị trường đã ổn định nhưng một số nhà sản xuất vẫn chưa quay lại sử dụng dầu hướng dương làm nguyên liệu mà tiếp tục sử dụng dầu cọ vì giá rẻ hơn”.
Về vấn đề này, bà Borzan đã đặt câu hỏi với EC: “Đặc biệt đáng báo động là một số nhà sản xuất không thông báo cho người tiêu dùng về sự thay đổi thành phần trên bao bì và giá trị dinh dưỡng không còn tương ứng với dữ liệu ban đầu. EC có coi hành vi này là gây hiểu lầm cho người tiêu dùng hay không và nếu có thì có kế hoạch chống lại hành vi đó như thế nào?”.
Trước đó, EU thông báo tăng trưởng kinh tế bằng 0, theo đó GDP của Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) trong giai đoạn từ tháng 10-12/2023 không thay đổi so với ba tháng trước đó. Theo ước tính sơ bộ, GDP của Eurozone sẽ tăng 0,5% trong năm 2023 trong bối cảnh lạm phát và lãi suất ở mức cao cũng như nhu cầu bên ngoài yếu. Đối với tất cả các nước thành viên EU, tổng mức tăng trưởng sẽ ở mức dưới 0,3%.