Theo truyền thống của người Việt Nam, trước ngày Tết Nguyên đán, các gia đình thường thực hiện nghi thức mời ông bà, tổ tiên về ăn Tết với con cháu, gia đình. Khi Tết kết thúc, cần thực hiện lễ hóa vàng để đưa tiễn ông bà, tổ tiên. Chính vì thế, lễ hóa vàng còn được gọi là lễ đưa tiễn ông bà, lễ hóa vàng cho tổ tiên...
Trước đây, lễ hóa vàng thường được thực hiện vào ngày mùng 3 hoặc mùng 7 Tết (khai hạ). Tuy nhiên ngày nay tùy theo vùng miền, địa phương, lễ này có thể diễn ra từ mùng 3 tới mùng 10 tháng Giêng. Để thực hiện nghi lễ hóa vàng tiễn đưa tổ tiên, ông bà, các gia đình chuẩn bị một mâm cơm cúng. Sau khi kết thúc tuần hương, họ sẽ đốt vàng mã đã được cúng trong suốt dịp Tết. Lễ vật hóa vàng thường được chuẩn bị giống với đồ lễ cúng gia tiên của gia chủ. Lễ vật dâng cúng gồm: Hương, hoa, nước, quả (ngũ quả); trầu cau; rượu; đèn, nến; lễ ngọt, bánh kẹo; mâm cỗ.
Ghi nhận của phóng viên tại một số chợ đầu mối phía Nam, chợ dân sinh, chợ truyền thống như Nguyễn Công Trứ, chợ 8/3, chợ Hôm - Đức Viên, chợ Kim Liên, Thành Công, Gốc Đề… trong sáng 14/2 (mùng 3 Tết Tân Sửu), thị trường khá sôi động, hàng hóa dồi dào đảm bảo phục vụ người dân.
Cụ thể giá rau xanh tại các chợ đầu mối phía Nam và chợ dân sinh cũng khá ngang nhau. Su hào 10.000 đồng/3 củ, súp lơ 10.000 đồng/cây; cải thảo 8.000 - 10.000 đồng/kg; cải ngọt 15.000 đồng/kg; rau cần 10.000 đồng/bó, rau muống 15.000 đồng/bó; rau cải cúc 5.000 đồng/bó; bắp cải từ 7.000 - 10.000 đồng/kg; cà chua 8.000 đồng/kg.
Các mặt hàng trái cây khá đắt và không được tươi. Nguyên nhân là do các thương lái chưa vận chuyển hàng ra mà chủ yếu các tiểu thương bán hàng tồn từ trước Tết.
Tại chợ đầu mối phía Nam, giá xoài xanh giống Đài Loan (Trung Quốc) 40.000 đồng/kg; xoài cát chu 60.000 đồng/kg; dưa hấu 8.000 - 12.000 đồng/kg loại thường; dưa hấu không hạt 25.000 đồng/kg; cam lòng vàng 25.000 đồng/kg, cam sành loại 1 20.000 - 35.000 đồng/kg.
Tại các chợ dân sinh đã bắt đầu bán hàng trở lại phục vụ người dân, chủ yếu tập trung vào các mặt hàng rau xanh, thịt, cá, giá bán nhích nhẹ so với dịp sát Tết. Đối với mặt hàng thực phẩm, giá thịt lợn loại ngon (sườn non, ba chỉ, nạc vai đầu giòn) ở mức 170.000 - 200.000 đồng/kg; thịt loại 2 như sấn, nạc vai, thăn dao động ở mức 130.000 - 160.000 đồng/kg; giá thịt bò phổ biến từ 250.000 - 270.000 đồng/kg; giá gà trống (lông) 130.000 đồng/kg, gà mái (lông 120.000 đồng/kg); giá giò lụa phổ biến 180.000 - 200.000 đồng/kg; giò bò 300.000 - 320.000 đồng/kg; giá cá quả 150.000 đồng/kg; tôm sú loại 1 (20 con/kg) giá 600.000 đồng/kg…
Chị Nguyễn Thị Hằng, trú tại phố Võ Thị Sáu quận Hai Bà Trưng (Hà Nội) cho biết, hôm nay theo tục lệ gia đình chị có tổ chức làm cơm hóa vàng để mời các cụ về nơi âm giới sau khi tiệc Xuân đã mãn. Nghi lễ cũng đầy đủ hoa tươi, quả tốt, mâm cơm như hôm mừng 1 Tết. Mong các cụ phù hộ cho con cháu khỏe mạnh và gặp nhiều may mắn. Đi chợ ngày Tết, chị thấy giá cả cũng phải chăng không quá đắt so với những ngày trước và hàng hóa thì dồi dào.
Bác Phạm Kim Thoa, tiểu thương ở chợ Hôm Đức Viên cho biết: "Tôi đi bán hàng lấy ngày từ mùng 2 Tết nhìn chung người mua cũng không nhiều, hàng hóa thì dồi dào đa dạng, nên không còn tình trạng giá ngày Tết cao chót vót như trước nữa. Đặc biệt, thời tiết ấm nên rau xanh được mùa nên cũng rất rẻ giá chỉ như ngày thường".
Bên cạnh những mặt hàng rau xanh, thực phẩm tươi sống, trái cây thì hoa tươi cũng là mặt hàng người tiêu dùng mua nhiều vào ngày đầu năm.
Tại một số chợ đầu mối như chợ đầu mối phía Nam, chợ Long Biên, chợ hoa Quảng An, khá đông tiểu thương buôn bán, kinh doanh. Tuy nhiên, do chợ chưa chính thức mở cửa trở lại, nên các tiểu thương chủ yếu buôn bán phía ngoài cửa chợ.
Chợ hoa Quảng An sáng sớm ngày mùng 3 Tết Tân Sửu, lượng hoa bán tại đây ít hơn khá nhiều so với ngày thường, số lượng người đi buôn hoa về bán lẻ lại cũng ít. Giá hoa tại chợ tương đương với thời điểm trước Tết. Hoa lay ơn trắng ở mức 100.000 - 180.000 đồng/chục, lay ơn màu có giá rẻ hơn và từ 60.000 - 100.000 đồng/chục; hoa cúc 100.000 - 110.000 đồng/bó 50 bông (giá bán buôn) và 40.000 - 50.000 đồng/chục (bán lẻ); hoa thược dược 50.000 đồng/bó (20 bông); hoa hồng dài có lộc 120.000 - 150.000 đồng/bó 50 bông (bán buôn), hoa hồng ngắn có giá rẻ hơn; hoa ly giá khá mềm, 100.000 đồng/bó 10 cành. Tại chợ hoa hàng lược, sáng sớm nay cũng ghi nhận tiểu thương kinh doanh và bán buôn.
Tại các chợ dân sinh như: Gốc Đề, Kim Liên, Phương Mai, Hoàng Mai…, hoa tươi đắt khách. Giá hoa tươi cũng tương đương với mức giá trước Tết. Hoa hồng lộc 15.000 đồng/bông, trong khi hoa hồng loại thường giá 3.000 - 5.000 đồng/bông; hoa cúc 5.000 đồng/bông; hoa ly 100.000 đồng/bó 10 cành;…
Anh Lê Văn Bính, chủ cửa hàng hoa tươi tại đường Võ Thị Sáu, quận Hai Bà Trưng (Hà Nội) cho biết, mùng 3 Tết năm nào anh cũng mở cửa hàng bán hoa phục vụ các gia đình mua hoa cúng Lễ hóa vàng. Năm nay, Mừng 3 Tết lại là Lễ tình nhân nữa nên sáng nay, cửa hàng hoa của anh rất đắt khách, liên tay gói hoa cho người mua.
Hoa tươi, được cắt từ vườn và bán cho người tiêu dùng quanh khu vực Minh Khai, Bạch Mai, Đại La… khách quen còn thậm chí đặt từ trước Tết. Hàng hoa tươi hôm nay đắt khách một phần nữa do nhiều người mua hoa từ trước Tết, đến hôm nay họ muốn mua bình hoa tươi mới để trưng bày trong nhà chơi Xuân.
Xu hướng hiện nay người tiêu dùng không tích trữ nhiều hàng hóa trong ngày Tết, nên các chợ thường mở cửa sớm trở lại sau Tết.
Tại các chợ dân sinh, người dân thực hiện khá nghiêm việc đeo khẩu trang chống dịch COVID-19.