Người dân ủng hộ việc truy suất nguồn gốc thịt lợn. Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN |
Kỳ vọng nguồn thịt sạch
Theo đánh giá của các chuyên gia về Đề án nhận diện truy xuất nguồn gốc thịt lợn thuộc dự án Mô hình chợ thí điểm bảo đảm an toàn thực phẩm trên địa bàn TP Hồ Chí Minh giai đoạn 2016 - 2020, đây là đề án này có tác động rất lớn đến ngành chăn nuôi lợn tại khu vực phía Nam nói riêng và cả nước nói chung. Bởi việc nhận diện và truy xuất nguồn gốc thịt lợn là một giải pháp tiên phong trong việc xây dựng và hình thành chuỗi cung ứng mặt hàng thịt lợn từ "trang trại đến bàn ăn". Đây là điều rất cần thiết trong bối cảnh hội nhập kinh tế, đặc biệt là diễn biến của ngành chăn nuôi lợn trong thời gian vừa qua rất nhiều tín hiệu bất ổn.
Về phía người tiêu dùng, chị Nguyễn Thị Bích Thuận, cư ngụ tại quận 2, TP Hồ Chí Minh cho biết: "Không chỉ bản thân chị mà cả gia đình và bạn bè đều rất kỳ vọng vào "Đề án Quản lý, nhận diện và truy xuất nguồn gốc thịt lợn", vì người tiêu dùng luôn mong muốn được mua những sản phẩm đúng với giá trị, đặc biệt là các mặt hàng thực phẩm có ảnh hưởng lớn đến sức khỏa người dân". Từ khi TP Hồ Chí Minh triển khai Đề án này, người dân đã được mua sản phẩm thị lợn nhận diện và truy xuất nguồn gốc tại các kênh bán lẻ hiện đại như trung tâm thương mại, hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện lợi...
Còn một số người dân khác trên địa bàn TP Hồ Chí Minh cho hay: Việc triển khai "Đề án Quản lý, nhận diện và truy xuất nguồn gốc thịt lợn" từ các kênh phân phối hiện đại ra đến các chợ đầu mối nông sản thực phẩm và cơ sở giết mổ thịt lợn có thể kỳ vọng, sản lượng thịt lợn bán buôn trên thị trường TP Hồ Chí Minh được nhận diện và truy xuất nguồn gốc ngày càng tăng. Đồng thời, từng bước "đẩy lùi" những sản phẩm thịt lợn kém chất lượng, không đảm đảm an toàn thực phẩm lưu thông trên thị trường trong thời gian tới.
Chưa ý thức thực hiện
Theo đề án, kể từ ngày 31/7 ngành chức năng TP Hồ Chí Minh đã thực hiện kiểm tra, giám sát 100% thịt lợn vào hai chợ đầu mối nông sản thực phẩm lớn nhất TP Hồ Chí Minh là chợ Bình Điền, Hóc Môn và một số cơ sở giết mổ.
Cụ thể, trong các đêm và rạng sáng ngày 29, 30 và 31/7, Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh đã phối hợp cùng các sở ngành liên quan và Ban Quản lý chợ Bình Điền, Hóc Môn kiểm tra, giám sát nguồn cung thịt lợn vào thành phố qua hai chợ này. Theo đó, tình hình chung được ghi nhận là các thương nhân kinh doanh ngành hàng thịt lợn tại các chợ vẫn chưa tự giác mà còn tâm lý "ì ạch".
Qua kiểm tra, giám sát tại chợ Hóc Môn có vài đơn vị thực hiện đeo vòng nhận diện và truy xuất nguồn gốc thịt lợn, còn chợ Bình Điền thì 100% đơn vị không thực hiện. Riêng tại cơ sở giết mổ An Hạ cũng phát hiện có lợn chưa đeo vòng nhận diện và truy xuất nguồn gốc thịt lợn đang được giết mổ...
Bên cạnh đó, trong ngày đầu tiên thực hiện "Đề án Quản lý, nhận diện và truy xuất nguồn gốc thịt lợn" 100% tại các địa điểm trên, ngành chức năng gồm: Sở Công thương, Ban Vệ sinh an toàn thực phẩm, Quản lý thị trường… đã phát hiện nhiều vụ vi phạm quy định như số lượng xe đăng ký hàng hóa có nhận diện và truy xuất nguồn gốc thịt lợn "chênh lệch" với thực tế, dẫn đến lực lượng chức không nhận diện và truy xuất nguồn gốc thịt lợn được; phương tiện chuyên chở và vận chuyển không được niêm phong. Hay thịt lợn có gắn vòng nhận diện và truy xuất nguồn gốc, nhưng không có thông tin...
Khó giám sát việc nhận diện và truy xuất nguồn gốc
Tại cuộc họp báo công bố thông tin về kiểm tra, giám sát việc nhận diện và truy xuất nguồn gốc thịt lợn tại TP Hồ Chí Minh ngày 31/7, ông Nguyễn Ngọc Hòa, Phó giám đốc Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh cho biết: TP Hồ Chí Minh là địa phương duy nhất thực hiện "Đề án Quản lý, nhận diện và truy xuất nguồn gốc thịt lợn". Hiện nay, tại các kênh bán lẻ hiện đại như trung tâm thương mại, hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện lợi... trên địa bàn thành phố 100% thịt lợn đã được nhận diện và truy xuất nguồn gốc.
Do đó, nếu Đề án được triển khai thành công ở chợ đầu mối và cơ sở giết mổ, TP Hồ Chí Minh sẽ kiểm soát được 95% nguồn cung thịt lợn tiêu thụ trên địa bàn. Tuy nhiên, do thành phố không chủ động được nguồn cung mặt hàng này bởi 85% phụ thuộc nguồn cung các tỉnh, thành. Ngoài ra, các tỉnh, thành tham gia Đề án với sự khuyến khích và hỗ trợ của thành phố chứ chưa có cơ chế quy định bắt buộc và phân công cụ thể.
Theo ông Nguyễn Ngọc Hoà, đây chính là nguyên nhân dẫn đến thực tế kiểm tra, giám sát việc nhận diện và truy xuất nguồn gốc thịt lợn tối ngày 30 và rạng sáng 31/7 chưa đạt kết quả như kỳ vọng. Cụ thể, lượng lợn nhập vào hai chợ Bình Điền, Hóc Môn và các cơ sở giết mổ trên địa bàn TP Hồ Chí Minh là 8.400 con, nhưng số lượng lợn có thể nhận diện và truy suất nguồn gốc chỉ có 1.205 con, chiếm 13%.
Lý giải thêm, ông Nguyễn Ngọc Hoà cho hay: Đề án gồm 4 chủ thể từ trang trại chăn nuôi, giết mổ, đơn vị phân phối sỉ và mạng lưới bán lẻ. Nếu các chủ thể này không cung cấp thông tin thì đầu cuối sẽ không có thông tin, đặc biệt đây là hệ thống thông tin kết nối nên ở khâu nào đó không cung cấp thì người tiêu dùng cũng không thể kiểm tra sản phẩm. Do đó, có thể hiểu nhận diện và truy xuất nguồn gốc thịt lợn là hệ thống thông tin chuỗi. Như vậy, nếu một "mắc xích" bị hỏng thì sản phẩm thịt lợn ra thị trường không thể nhận diện các truy xuất nguồn gốc được.