Người dân mong mỏi được sử dụng thịt lợn an toàn. Ảnh minh họa: Trần Thị Thu Hiền/TTXVN |
Sở Công Thương Thành phố Hồ Chí Minh vừa phối hợp với Sở Nông nghiệp và
Phát triển nông thôn tỉnh, Sở Công Thương tỉnh Trà Vinh tổ chức tập huấn
các kiến thức về quản lý, nhận diện và truy xuất nguồn gốc thịt lợn cho
các sở, ngành liên quan, các địa phương và khoảng 50 hộ chăn nuôi lợn
trên địa bàn tỉnh.
Theo ông Nguyễn Nguyên Phương, Trưởng Phòng
Quản lý thương mại, Sở Công Thương Thành phố Hồ Chí Minh, thịt lợn không
an toàn đang là vấn đề đáng lo ngại do việc sử dụng thuốc, hóa chất
cấm, thức ăn tăng trọng… trong chăn nuôi đã để lại dư lượng quá mức cho
phép. Cùng với đó, tình trạng bơm nước, tiêm chích các loại thuốc an
thần trước khi giết mổ; ướp muối diêm, hàn the để tạo màu, ngăn vi khuẩn
phát triển; quá trình giết mổ không đảm bảo vệ sinh, việc vận chuyển,
bày bán thịt lợn không đúng quy định làm tăng khả năng nhiễm khuẩn… gây
ảnh hưởng lớn tới sức khỏe người tiêu dùng.
Các đại biểu được tập huấn các kiến thức về ứng dụng công nghệ thông tin hiện đại trong quy trình kiểm soát, truy xuất nguồn gốc sản phẩm thịt lợn, với nhiều nội dung như: sử dụng công nghệ QR code, vòng nhận diện, điện toán đám mây, tem điện tử và hệ thống phần mềm quản lý… để nhận diện và quản lý tất cả các thông tin, dữ liệu liên quan đến sản phẩm thịt lợn tươi sống. Người tiêu dùng có thể dùng phần mềm được cài đặt trên điện thoại di động quét vào mã vạch của vòng nhận diện là có thể truy xuất thông tin, nguồn gốc của lợn, từ quá trình nuôi, lúc xuất chuồng đến cơ sở giết mổ, chợ…
Bà Nguyễn Ngọc Hài, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Trà Vinh cho biết, tu y chất lượng thịt lợn nuôi trong tỉnh được đánh giá khá tốt, song, đa phần các hộ nuôi theo hình thức nhỏ lẻ, thiếu liên kết nên đầu ra sản phẩm thường xuyên thiếu ổn định.
Tỉnh Trà Vinh có tổng đàn lợn khoảng 400.000 con nhưng từ trước đến nay chưa có doanh nghiệp nào kí kết hợp đồng bao tiêu. Việc triển khai Đề án quản lý, nhận diện và truy xuất nguồn gốc thịt lợn tại tỉnh Trà Vinh nhằm đáp ứng nhu cầu sử dụng thực phẩm an toàn của người tiêu dùng, giúp nông dân nâng cao giá trị sản phẩm, ổn định đầu ra và tăng thu nhập. Đồng thời, qua đó góp phần chấn chỉnh tình trạng chăn nuôi không an toàn làm ảnh hưởng sức khỏe cộng đồng.