Xử lý mạnh những vi phạm về an toàn thực phẩm
Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo liên ngành Trung ương về vệ sinh an toàn thực phẩm, sau hơn 1 năm triển khai thí điểm, thanh tra chuyên ngành an toàn thực phẩm tại quận, huyện, thị xã và phường, xã, thị trấn ở Thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội đã góp phần tăng hiệu lực quản lý nhà nước lĩnh vực này.
Các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm tuân thủ nghiêm túc hơn các quy định về an toàn thực phẩm. Việc xử lý vi phạm được đẩy mạnh, 100% số thu được giữ lại để chi cho hoạt động bảo đảm an toàn thực phẩm ở cơ sở. Đề án “Xây dựng và phát triển chuỗi cung ứng thực phẩm nông lâm sản an toàn” đã phát triển được 141 chuỗi tại 44 tỉnh, trong đó 129 chuỗi được giám sát, xác nhận sản phẩm được kiểm soát theo chuỗi...
Trong năm 2016, cả nước đã thành lập 22.667 đoàn thanh tra, kiểm tra liên ngành tiến hành kiểm tra tại 345.112 cơ sở, phát hiện 56.984 cơ sở vi phạm (16,5%). Trong số 56.984 cơ sở vi phạm, đã có 13.313 cơ sở bị xử lý (23,4%), trong đó phạt tiền 8.926 cơ sở với số tiền trên 33 tỷ đồng. So với năm 2015, việc xử lý về an toàn thực phẩm trong năm 2016 mạnh mẽ hơn, số cơ sở bị xử lý tăng từ 17,6% (2015) lên 23,4% (2016).
Hình thức cảnh cáo, nhắc nhở đã giảm, dần được thay thế bằng phạt hành chính, tỷ lệ cơ sở bị phạt tiền tăng từ 50,5% (2015) lên 67% (2016). Số tiền phạt trung bình mỗi cơ sở là 3,73 triệu đồng so với mức 3,59 triệu đồng của năm 2015, cao hơn nhiều so với các năm trước. Việc công khai các cơ sở vi phạm trên các phương tiện thông tin đại chúng được thực hiện thường xuyên hơn. Kết quả xử phạt này đã thể hiện tính răn đe cao đối với các cơ sở cố tình vi phạm các quy định về an toàn thực phẩm.
Quản lý thị trường kiểm tra, xử lý 13.893 vụ vi phạm an toàn thực phẩm, phạt 29,6 tỷ đồng, thu giữ tang vật trị giá 20,4 tỷ đồng. Cảnh sát môi trường phát hiện 5.169 vụ việc về an toàn thực phẩm, xử phạt 23,6 tỷ đồng, xử lý hình sự 4 vụ, tịch thu, tiêu hủy nhiều hàng hóa thực phẩm vi phạm giá trị 20 tỷ đồng...
Theo lãnh đạo Bộ Y tế, công tác thanh tra, kiểm tra trong năm được triển khai đồng bộ, quyết liệt từ Trung ương đến địa phương, có sự vào cuộc của các cấp, ngành chức năng có liên quan. Hầu hết các trường hợp vi phạm đều được phát hiện, xử lý bằng nhiều hình thức khác nhau, đảm bảo đúng pháp luật, được công khai kịp thời trên phương tiện thông tin để lựa chọn thực phẩm an toàn.
Năng lực của các đoàn thanh tra, kiểm tra được nâng lên, đã kịp thời ngăn chặn, xử lý nhiều vụ vi phạm ngay cả khi hàng hóa vi phạm còn để trong kho, chưa được lưu hành trên thị trường. Số vụ ngộ độc thực phẩm đã giảm cả về số vụ, số người mắc và tử vong. So với cùng kỳ năm 2015, cả nước ghi nhận 166 vụ ngộ độc thực phẩm (giảm 2,4%); 4.386 ngươi mắc (giảm 532 người), tử vong 12 người (giảm 42,9%).
Ban Chỉ đạo đã xác định nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2017 là: triển khai các hoạt động đảm bảo an toàn thực phẩm Tết Nguyên đán và mùa lễ hội Xuân năm 2017; triển khai Tháng hành động về an toàn thực phẩm, vẫn lấy chủ đề về nông nghiệp để tiếp tục triển khai các giải pháp đảm bảo an toàn thực phẩm đối với các loại thực phẩm tươi sống; xử lý dứt điểm việc sử dụng salbutamol, vàng ô, kháng sinh trong chăn nuôi, sản xuất, chế biến thực phẩm...
Ban Chỉ đạo triển khai các chương trình giám sát an toàn thực phẩm trong phạm vi toàn quốc, tập trung vào các vấn đề: sử dụng hóa chất, thuốc bảo vệ thực vật trong sản xuất, bảo quản thực phẩm; vệ sinh an toàn trong giết mổ gia súc, gia cầm, nhất là tại các thành phố lớn và các vùng sản xuất nông sản thực phẩm; kinh doanh, sử dụng phụ gia thực phẩm, thực phẩm chức năng. Công tác thanh tra, kiểm tra tiếp tục đẩy mạnh; xử lý nghiêm các vi phạm về an toàn thực phẩm...
Tạo sự chuyển biến tại một số địa bàn nóng
Kết luận cuộc họp, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đánh giá cao nỗ lực của các thành viên Ban Chỉ đạo, các bộ, ngành địa phương và khẳng định những kết quả đạt được là do có quá trình chuẩn bị đúng hướng từ những năm trước, chọn ''đúng'', '' trúng'' vấn đề, đem lại sự cải thiện, chuyển biến rõ ràng trong công tác quản lý an toàn thực phẩm. Điểm nổi bật nhất là sự vào cuộc tích cực của lãnh đạo chính quyền địa phương, cơ sở, do sự đốc thúc của Quốc hội, Chính phủ, tạo sự chuyển biến tốt.
Liên quan đến việc xây dựng báo cáo của Chính phủ gửi Quốc hội để triển khai giám sát trong thời gian tới, Phó Thủ tướng yêu cầu các thành viên Ban Chỉ đạo cần tiếp thu các ý kiến, tham gia góp ý hoàn thiện báo cáo gửi đoàn giám sát; cử cán bộ hiểu biết chuyên sâu về lĩnh vực an toàn thực phẩm tham gia cùng đoàn giám sát. Phó Thủ tướng cho rằng việc thanh tra thí điểm cần khẩn trương hoàn thiện báo cáo đánh giá thí điểm, từ đó nhân rộng ra thực tiễn, tạo sự chuyển biến tại một số địa bàn nóng về an toàn thực phẩm...
Phó Thủ tướng đề nghị các thành viên Ban Chỉ đạo và các bộ, ngành liên quan tiếp tục tập trung thực hiện những nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2017, nhất là dịp Tết Nguyên đán và mùa lễ hội Xuân.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có sự chuẩn bị nhiều năm trước về phát triển chuỗi thực phẩm. Thời gian tới, Bộ cần phối hợp với các đoàn thể chính trị - xã hội, xây dựng các chương trình cho hội viên, nông dân vay vốn sản xuất, lồng ghép với phát triển sản xuất theo chuỗi; một số mô hình tốt cần tiếp tục thực hiện quyết liệt.
Với sự vào cuộc của các bộ, ngành, các cấp chính quyền địa phương cùng với truyền thông mạnh mẽ tại một số thành phố, đã xuất hiện ngày càng nhiều các cửa hàng bán lẻ thực phẩm sạch, có nguồn gốc rõ ràng.
Người tiêu dùng đã có ý thức hơn trong mua, sử dụng thực phẩm sạch. Điều này sẽ có tác dụng đến tận các chợ nhỏ, lẻ truyền thống. Bộ cần tiếp tục tập trung vào chuỗi sản xuất, truy xuất được nguồn gốc thực phẩm sạch và hệ thống bán lẻ, phân phối ở đô thị lớn - Phó Thủ tướng nêu rõ...