Người tiêu dùng truy xuất nguồn gốc thịt lợn sau khi mua tại Siêu thị Co.op mart Foodcosa, Gò Vấp, TP Hồ Chí Minh. Ảnh: Thanh Vũ/TTXVN |
Việc hợp tác truy xuất nguồn gốc thịt lợn được kỳ vọng sẽ giúp người chăn nuôi lợn ở Bến Tre tìm được đầu ra ổn định cho đàn lợn của mình.
Ông Nguyễn Ngọc Hòa, Phó Giám đốc Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh c ho biết từ ngày 1/3, chợ đầu mối Hóc Môn và Bình Điền ở TP Hồ Chí Minh đã triển khai mua thịt lợn có gắn vòng nhận diện truy xuất nguồn gốc thịt lợn từ các tỉnh về; trong đó có Bến Tre. Tuy nhiên, hiện nay có khoảng 60% các cơ sở chăn nuôi đăng ký và khai báo thông tin, trong thực tế còn 40% cơ sở chưa đăng ký thông tin.
Hiện nay, TP Hồ Chí Minh chưa áp dụng chế tài và biện pháp để không cho nhập thịt lợn chưa qua truy xuất nguồn gốc. Vì thế, các cơ sở chăn nuôi lợn, cơ sở giết mổ, thương nhân không tham gia đăng ký quản lý và truy xuất nguồn gốc thịt lợn thì vẫn được đưa vào chợ đầu mối Hóc Môn và Bình Điền. Tuy nhiên, về lâu dài thì sẽ siết chặt lại.
Theo ông Hòa, người dân TP Hồ Chí Minh yêu cầu được quyền thông tin đầy đủ về thịt lợn: xuất phát từ trang trại nào, ai chịu trách nhiệm, con giống từ đâu... Vì thế người chăn nuôi lợn ở Bến Tre cần gắn vòng nhận diện truy xuất nguồn gốc cho lợn.
Là giai đoạn đầu truy xuất nguồn gốc thịt lợn nên Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh chỉ yêu cầu các hộ chăn nuôi ở Bến Tre khi tham gia vào đề án quản lý, nhận diện và truy xuất nguồn gốc thịt lợn cung cấp thông tin về con lợn: Được nuôi từ trang trại nào, đường đi của con lợn. Sau khi ra khỏi trang trại được đi đến địa điểm giết mổ nào. Đây là việc làm khó vì việc này từ trước giờ chưa ai làm, nhưng nếu có quyết tâm làm thì sẽ làm được.
Hiện nay, mỗi ngày hai chợ đầu mối ở TP Hồ Chí Minh tiêu thụ khoảng 7.200 con lợn (chợ Hóc Môn khoảng 4.500 - 5.000 con, chợ Bình Điền khoảng 2.200 - 2.700 con).
Ông Đào Hà Chung, Chủ tịch Hội Khoa học và Công nghệ cao thành phố Hồ Chí Minh cho biết từ 1/3 đến nay có 19 trang trại và 10 thương nhân ở Bến Tre tham gia truy xuất nguồn gốc lợn. Tổng cộng có 10.476 con lợn ở Bến Tre đã khai báo thông tin.
Tại buổi làm việc, người chăn nuôi và thương lái ở Bến Tre đều mong muốn sớm được tham gia vào quy trình quản lý, nhận diện và truy xuất nguồn gốc thịt lợn.
Anh Đỗ Huy Tính, cơ sở chăn nuôi lợn ở huyện Giồng Trôm cho biết, anh rất quan tâm đến vấn đề này. Anh Tính hy vọng khi tham gia truy xuất nguồn gốc thịt lợn thì người chăn nuôi sẽ ý thức hơn trong quy trình chăn nuôi của mình và con lợn sẽ đảm bảo chất lượng.
Thông tin về con lợn sẽ được minh bạch, rõ ràng khi đến tay người tiêu dùng. Lúc đó con lợn Bến Tre sẽ được nhiều người tiêu dùng biết đến. Nếu người chăn nuôi không đảm bảo thịt an toàn thì người tiêu dùng sẽ quay lưng.
Hiện nay, tỉnh Bến Tre có khoảng 660.000 con lợn, tập trung ở các huyện Mỏ Cày Nam, Mỏ Cày Bắc, Giồng Trôm và Châu Thành. Từ cuối tháng 11/2016 đến nay, giá lợn trên địa bàn tỉnh Bến Tre tụt giảm mức kỷ lục. Hiện nay, giá lợn chỉ dưới 30.000 đồng/kg. Nhiều hộ chăn nuôi lợn hy vọng khi tham gia truy xuất nguồn gốc sẽ giúp họ có đầu giá bán cao hơn.
Ông Hồ Văn Truyền, xã Thành Thới A, huyện Mỏ Cày Nam cho biết ông và nhiều hộ chăn nuôi lớn rất muốn sớm được đăng ký truy xuất nguồn gốc thịt lợn. Nhưng liệu rằng khi tham gia thì có giúp giá lợn cao hơn giá lợn không tham gia truy xuất nguồn gốc? Và nếu các thương lái mua lợn của ông đem bơm nước vào lợn thì sẽ thế nào?
Về vấn đề này, ông Hòa cho biết, người chăn nuôi không phải lo lắng vì sau khi đưa lợn lên xe đi giết mổ thì cán bộ thú y sẽ kiểm, niêm phong vòng xuất trại (vòng này không thể tháo được).
Tại lò giết mổ, cán bộ thú y tiếp tục quét và niêm phong các mảnh thịt lợn, tránh tình trạng tráo lợn, bơm nước vào lợn gây ảnh hưởng đến chất lượng lợn và bảo vệ các cơ sở chăn nuôi. Đảm bảo cho người chăn nuôi chân chính không bị ảnh hưởng.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre Ông Nguyễn Hữu Lập cho biết, việc người chăn nuôi ở Bến Tre tham gia truy xuất nguồn gốc thịt lợn là điều kiện để đưa ra sản phẩm thịt lợn sạch của Bến Tre đến người tiêu dùng.
Đồng thời để người chăn nuôi có lợi nhuận tốt hơn. Theo kế hoạch, những cơ sở chăn nuôi 100 con lợn trở lên được ưu tiên tham gia truy xuất nguồn gốc thịt lợn. Những cơ sở, hộ chăn nuôi dưới 100 con chưa được tham gia thì Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ phối hợp với các huyện tạo tổ hợp tác, hợp tác xã để thành lập một mã code chung.