Tuy nhiên, điều này lại đang làm khó cho người chăn nuôi khi tham gia vào đề án này.
Cụ thể, theo nội dung Đề án, người nuôi và bán heo vào TP Hồ Chí Minh có trách nhiệm mua, đeo vòng truy xuất ở chuồng, sau đó kích hoạt vòng trước khi bán heo. Với quy định này, người chăn nuôi phải mất thêm 6.000 đồng để mua cặp vòng đeo chân cho heo và phải tốn thêm chi phí nhân công để thực hiện việc này.
Việc chịu thêm 6.000 đồng tiền cặp vòng truy xuất là khó khăn cho người chăn nuôi. Ảnh: Huỳnh Thế Anh/TTXVN. |
Bên lề Diễn đàn nông dân hợp tác được tổ chức tại TP Hồ Chí Minh ngày 14/3, ông Nguyễn Trí Công, Chủ tịch Hiệp hội chăn nuôi Đồng Nai cho biết, việc TP Hồ Chí Minh thực hiện truy xuất nguồn gốc sản phẩm để kiểm soát chất lượng sản phẩm là một chủ trương hoàn toàn đúng, các cơ sở chăn nuôi đều ủng hộ chủ trương này.
Tuy vậy, cần có sự hài hòa giữa lợi ích của người chăn nuôi, người tiêu dùng và vấn đề an toàn thực phẩm chung của thành phố. Bởi từ trước Tết Nguyên đán đến nay, giá thịt heo liên tục giảm mạnh, nhiều người nuôi bị thua lỗ. Hiện giá thịt heo hơi chỉ còn 32.000 đồng/kg, trong khi giá thành đã là 35.000-38.000 đồng/kg. Nếu “đội” thêm chi phí 6.000 đồng/con thì rõ ràng việc tăng thêm này là một vấn đề lớn của người chăn nuôi hiện nay.
Để tránh tình trạng “đeo vòng” kìm hãm sự phát triển của ngành chăn nuôi heo, đại diện Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai đề xuất, trước mắt TP. Hồ Chí Minh có thể giảm 50% chi phí vòng nhận diện truy xuất để hỗ trợ cho người chăn nuôi.
Tuy nhiên, về lâu dài, khi các địa phương tham gia vào đề án tạo vùng thực phẩm an toàn cho TP Hồ Chí Minh thì phải nhận được giá bán tương xứng. Do vậy, trong thời gian tới để hài hòa lợi ích trong việc thực hiện Đề án, các đơn vị tiêu thụ nên đưa chi phí đeo vòng nhận diện truy xuất nguồn gốc vào giá bán sản phẩm, thay vì để người nuôi phải tự chi trả như hiện nay.
Đề án quản lý, nhận diện và truy xuất nguồn gốc thịt heo được triển khai thí điểm từ ngày 10/12/2016 và chính thức thực hiện trên toàn thành phố từ ngày 1/3/2017, nhằm tạo niềm tin cho người tiêu dùng, đảm bảo vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm. Đề án có sự tham gia của 15 doanh nghiệp, cơ sở chăn nuôi với gần 1.000 trang trại, 11 cơ sở giết mổ, có khả năng cung cấp 100% lượng tiêu thụ của thị trường thành phố.
Hiện Đồng Nai là một trong những địa phương cung cấp nguồn thịt heo lớn nhất cho TP. Hồ Chí Minh , trung bình khoảng 5.000 con/ngày, chiếm khoảng 50-60% nhu cầu tiêu thụ. Hầu hết các trang trại chăn nuôi ở Đồng Nai đã có mã số trang trại, được cấp giấy vệ sinh thú y và tập huấn chăn nuôi theo mô hình VietGap. Trong thời gian qua, các cơ quan chức năng Đồng Nai thường xuyên kiểm tra và không phát hiện trường hợp có sử dụng chất cấm trong chăn nuôi.