Người tiêu dùng truy xuất nguồn gốc thịt lợn bằng smarphone tại Siêu thị Co.op mart Foodcosa, Gò Vấp, Tp. Hồ Chí Minh. Ảnh: Thanh Vũ/TTXVN |
Tiếp theo việc triển khai đề án truy xuất nguồn gốc thịt lợn và rau củ, quả đạt kết quả bước đầu, Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh tiếp tục làm việc với các đơn vị sản xuất kinh doanh và phân phối trên địa bàn thành phố cũng như một số tỉnh thành lân cận triển khai đề án truy xuất nguồn gốc thịt gia cầm và trứng.
Tại buổi làm việc với các đơn vị liên quan ngày 9/2, ông Nguyễn Ngọc Hòa, Phó Giám đốc Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh cho biết, đề án truy xuất nguồn gốc thịt gia cầm và trứng sẽ có sự tham gia của bốn chủ thể là trại cung cấp con giống, cơ sở chăn nuôi, cơ sở giết mổ và đơn vị thương mại.
Trong đó, truy xuất nguồn gốc thịt gia cầm khác với đề án truy xuất nguồn gốc thịt lợn là thực hiện truy xuất từ con giống cho đến tay người tiêu dùng. Còn đối với sản phẩm trứng gia cầm sẽ được truy suất từ khâu chăn nuôi cho đến tay người tiêu dùng.
Theo ông Nguyễn Ngọc Hòa, trong thời gian qua thực hiện chỉ đạo quyết liệt của lãnh đạo TP Hồ Chí Minh, các sở ngành liên quan đã nỗ lực triển khai các Đề án truy xuất nguồn gốc thịt lợn và rau củ, quả. Dựa trên cơ sở thành công bước đầu và kinh nghiệm từ các Đề án đã triển khai, Sở Công Thương tiếp tục chủ trì triển khai Đề án truy xuất nguồn gốc thịt gia cầm và trứng trong thời gian tới.
Những Đề án này không chỉ tạo niềm tin cho người tiêu dùng, đảm bảo vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm, mà còn góp phần nâng cao năng lực sản xuất kinh của doanh nghiệp, xây dựng uy tín thương hiệu. Từ đó, góp phần lành mạnh và minh bạch thị trường tiêu dùng, hướng đến hoạt động sản xuất kinh doanh đáp ứng các tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm, tạo giá trị cho sản phẩm Việt.
Nội dung mới của đề án truy xuất nguồn gốc thịt gia cầm và trứng so với những Đề án truy suất đã triển khai trước đó là có cung cấp các công cụ hỗ trợ để điện tử hóa chu trình VietGAP, giúp các trang trại làm ăn chân chính phát triển bền vững. Bên cạnh đó, đề án truy xuất nguồn gốc thịt gia cầm và trứng thực hiện ghi chép điện tử tự động, có hệ thống quản lý kho điện tử...
Đặc biệt, đề án truy xuất nguồn gốc thịt gia cầm và trứng được xây dựng chủ yếu dựa trên các tiêu chuẩn VietGAP và quy định về an toàn vệ sinh thực phẩm hiện hành của Việt Nam.
Ông Đào Hà Trung, Chủ tịch Hội Công nghệ cao TP Hồ Chí Minh cho hay, hiện nay, nhiều đơn vị hoạt động trong lĩnh vực sản xuất kinh doanh thịt gia súc, gia cầm gặp thách thức về việc đầu tư thực hiện VietGAP do quy trình phức tạp và chi phí cao. Tuy nhiên, khi tham gia Đề án truy xuất nguồn gốc thịt gia cầm và trứng, các đơn vị có cơ hội được hỗ trợ để ứng dụng điện tử hóa chu trình VietGAP.
Nếu đạt tiêu chuẩn VietGAP, sản phẩm của nhà sản xuất không chỉ đáp ứng được yêu cầu của thị trường nội địa, mà đây còn là điều kiện tiên quyết để đẩy mạnh xuất khẩu và tham gia vào thị trường quốc tế.
Sau các đề án truy xuất nguồn gốc thịt lợn và rau củ, quả, đề án truy xuất nguồn gốc thịt gia cầm và trứng được kỳ vọng giúp người dân có thêm cơ hội tiếp cận được những mặt hàng thực phẩm có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng và an toàn vệ sinh thực phẩm.