Tại siêu thị Co.opmart (quận Hà Đông, HN) chị Nguyễn Thị Dung (phường Trung Văn, quận Nam Từ Liêm, HN) vừa loay hoay chọn thức ăn vừa chia sẻ về cách đối phó của mình với thực phẩm bẩn: “Bây giờ mua thịt thì phải chọn thịt mỡ để tránh mua phải thịt có chất tạo nạc. Đành phải thế thôi vì tôi không thể biết được thịt này có nguồn gốc ở đâu, có bảo đảm hay không”.
Khi áp dụng việc truy xuất nguồn gốc điện tử, người tiêu dùng sẽ yên tâm hơn khi lựa chọn và sử dụng thực phẩm.Ảnh: Huy hùng - TTXVN |
Cũng chung một nỗi lo về thực phẩm bẩn, bác Trần Hồng Hải (phường Láng Hạ, quận Đống Đa) đầy âu lo: “Nhà tôi chuyển sang ăn đồ biển lâu rồi, nghĩ như thế an toàn hơn, nhưng mấy hôm vừa rồi biết hải sản bị nhiễm kháng sinh. Bây giờ thì chẳng biết ăn gì là an toàn nữa rồi”. Tâm sự của chị Dung cũng như bác Hải và rất nhiều bà nội trợ khác đã cho thấy một thực tế: hiện nay người tiêu dùng Việt hầu như phải sử dụng thực phẩm không có thông tin đầy đủ về nguồn gốc, chế biến và phân phối; đó là một trong những lí do khiến thực phẩm bẩn dễ dàng “hoành hành” tại thị trường Việt Nam.
Sự minh bạch thiết yếuSự băn khoăn của người tiêu dùng về xuất xứ, chất lượng thực phẩm sẽ dễ dàng được giải toả khi phương pháp “truy xuất nguồn gốc điện tử” của thực phẩm được áp dụng. Bà Võ Ngân Giang - Đại diện Tổ chức Nông lương Liên Hiệp Quốc (FAO) giải thích về cách truy xuất: “Trên mỗi sản phẩm được bán ra có mã truy xuất được in trên bao bì, khi người tiêu dùng muốn biết đầy đủ thông tin về món hàng đã mua, truy ngược dòng từ thành phẩm cuối cùng về nơi sản xuất ban đầu, rà soát từng công đoạn trong chế biến và phân phối thì có thể dùng mã đó để kiểm tra. Họ có thể gõ mã truy xuất trên trang web của sản phẩm để tìm thông tin; hoặc dùng điện thoại thông minh có cài đặt phần mềm truy xuất để quét lên mã truy xuất được in trên bao bì của sản phẩm”.
Theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế, việc ứng dụng thành công giải pháp truy xuất nguồn gốc điện tử cho sản phẩm góp phần làm tăng giá trị nông, thủy sản, tăng năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp Việt. Bởi lẽ, thị trường thế giới đòi hỏi rất cao và khắt khe về chất lượng cũng như nguồn gốc của thực phẩm nên phương pháp này cũng góp phần tăng sức cạnh tranh cho hàng hóa Việt Nam khi đi ra thế giới.
Bên cạnh đó, phương pháp này giúp cho công tác quản lý sản phẩm tốt hơn, trong trường hợp phát sinh dịch bệnh, hay lô hàng bị lỗi, gặp vấn đề thì có thể dễ dàng truy ra tận mầm mống của dịch bệnh, từ đó chặn đứng ổ dịch, thực hiện phòng ngừa bệnh dịch cũng như thu hồi lại số sản phẩm mắc bệnh, không để dịch bệnh lây lan rộng. Với doanh nghiệp, truy xuất nguồn gốc là bước đầu tạo sự tin tưởng nơi khách hàng, bày tỏ thiện chí minh bạch mọi thông tin về sản phẩm. Về phía người tiêu dùng, đây là giải pháp kiểm tra chất lượng sản phẩm hiệu quả, nhanh gọn. Khi chủ động truy xuất bằng chính mã vạch (mã truy xuất) trên mỗi sản phẩm thông qua hệ thống thông tin hiện đại, người tiêu dùng yên tâm mua sắm, còn nhà bán lẻ dễ kiểm soát rủi ro phát sinh khi theo dõi và xác minh toàn bộ đường đi của hàng hóa.
Khó khăn ở thị trường Việt NamPhương pháp “truy xuất nguồn gốc” sản phẩm đang dần trở thành yêu cầu bắt buộc ở các nước phát triển như Mỹ, Nhật Bản, Canada... Trong khi đó, tại Việt Nam, việc truy xuất nguồn gốc thực phẩm còn lỏng lẻo.
Ông Phạm Văn Tấn (xã Phù Lưu, huyện Ứng Hòa, HN) chia sẻ tại Hội thảo Nông nghiệp an toàn do Ban Kinh tế Trung ương phối hợp với Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn và Thời báo Kinh tế Việt Nam tổ chức tháng 7/2016 tại Hà Nội: “Chúng tôi chuyên trồng cây ăn quả, cũng có biết tới phương pháp truy xuất nguồn gốc. Theo tôi đây là một phương pháp hiệu quả, giúp chúng tôi lấy lại lòng tin của người tiêu dùng, vì trước tình hình thực phẩm loạn như hiện nay, dù chúng tôi sản xuất được nhiều sản phẩm chất lượng người tiêu dùng họ vẫn e dè. Nhưng “truy xuất nguồn gốc” đòi hỏi phải duy trì cả một hệ thống, chỉ một mắt xích trong hệ thống có vấn đề sẽ khiến cả quá trình vận hành hỏng, với chúng tôi thì phương pháp này khá phức tạp“.
Hiện nay ở Việt Nam, chỉ một số ít các doanh nghiệp sản xuất được theo phương pháp này, một số đang theo đuổi nhưng chưa thực hiện được trọn vẹn phương pháp. Bà Võ Ngân Giang chia sẻ: Với tình hình hiện nay ở Việt Nam nếu đòi hỏi các loại thực phẩm phải có tên, có tuổi ngay là khó. Nên bắt đầu từ những siêu thị, nơi mà đòi hỏi thực phẩm có nguồn gốc, nơi sản xuất, thực hiện mua bán qua hợp đồng, thực hiện phương pháp “truy xuất nguồn gốc” từ đó dần rồi mở rộng phạm vi.
Điều này cũng cần có sự vào cuộc của rất nhiều bên, vì mỗi thực phẩm để đến tay người tiêu dùng phải trải qua rất nhiều khâu, muốn truy xuất ngược lại thì cần sự hợp tác của tất cả các khâu đó, đòi hỏi trách nhiệm và sự trung thực tuyệt đối của mỗi bộ phận thì hệ thống mới có thể duy trì. Trên thực tế, tại Việt Nam, thực phẩm thịt gà ta Gò Công đã có tiếng vang và đứng vững được trong nước là một điển hình thành công của phương pháp “truy xuất nguồn gốc”. Rất nhiều doanh nghiệp khác cũng đang hướng tới sản xuất buôn bán theo hệ thống này, ví dụ: Bác Tôm, Dalat Hasfarm,…, nhưng còn rất nhiều khó khăn để mở rộng phạm vi hoạt động của phương pháp này.
Thực tế ở Việt Nam, các cơ sở chăn nuôi, sản xuất vẫn hoạt động một cách riêng lẻ, không đăng kí, sau đó tuồn ra các chợ để buôn bán tiêu thụ… Nếp mua - bán này đã duy trì nhiều năm trong sinh hoạt của người Việt, vậy nên để đồng bộ quản lý thành một chuỗi hệ thống là rất khó. Kinh phí để thực hiện phương pháp này là không nhỏ, vậy nên giá thành của sản phẩm chắc chắn tăng cao hơn so với các sản phẩm không rõ nguồn gốc mua tại chợ. Bà Giang khẳng định: “Chừng nào phía cầu thay đổi đòi hỏi cao hơn, tiêu chuẩn cao hơn thì phía cung cũng sẽ thay đổi. Khi nào người Việt chấp nhận một mức giá cao hơn thì phương pháp này mới có đất để triển khai”.
Tại Việt Nam đã có Thông tư số 03/2011/TT-BNNPTNT của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: Quy định về truy xuất nguồn gốc và thu hồi sản phẩm không đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm trong lĩnh vực thủy sản; tuy nhiên truy xuất nguồn gốc là một quãng đường dài và nhiều khó khăn, Việt Nam cần thêm thời gian để chuẩn bị cả về hệ thống lẫn tài lực, và xã hội Việt Nam cũng cần sẵn sàng với một khái niệm mới trong thực phẩm: “Truy xuất nguồn gốc”. |