Biểu tượng của Tập đoàn dầu khí Mỹ ExxonMobil tại Woodbridge, bang Virginia ngày 5/1/2016. Ảnh: AFP/TTXVN |
Bức tranh lạc quan của ngành dầu khí được “tô điểm” bởi các báo cáo “rực rỡ” đến từ những đại gia ngành năng lượng như ExxonMobil, Chevron, BP, Royal Dutch Shell và Total. Trong đó, tổng lợi nhuận của Total đã tăng hơn 30%, lợi nhuận ròng của Shell tăng gấp ba lần, lợi nhuận quý IV/2017 của ExxonMobil tăng gần gấp năm lần, còn lợi nhuận của BP cũng tăng vọt.
Điều này là nhờ giá dầu thô tăng mạnh trong những tháng gần đây, được hỗ trợ bởi thỏa thuận cắt giảm sản lượng mang tính bước ngoặt giữa các quốc gia trong lẫn ngoài Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) nhằm giảm lượng cung dư thừa trên toàn thế giới.
Nhờ đó, sau khi giảm từ mức 115 USD/thùng vào năm 2014 xuống dưới 35 USD/thùng vào đầu năm 2016, giá dầu đã tăng từ mức trung bình 44 USD/thùng trong năm 2016 lên 54 USD/thùng trong năm 2017 rồi tiến gần tới mức 70 USD/thùng trong tháng này.
Song, các công ty đã học được cách “sống chung” với giá dầu thấp, cắt giảm chi phí sản xuất và đầu tư để trở nên “nhẹ nhàng” hơn.
Sự thận trọng đó được thể hiện rõ ràng qua việc đầu tư vào hoạt động thăm dò và khai thác của các công ty chỉ tăng trưởng khá khiêm tốn. Theo ước tính của Viện nghiên cứu IFP Energies Nouvelles của Pháp, các khoản đầu tư nêu trên đã tăng 4% lên 389 tỷ USD vào năm ngoái và ước sẽ tăng thêm 2 - 6% trong năm nay. Để so sánh, tổng số tiền đầu tư của các công ty năng lượng hồi năm 2014 là 683 tỷ USD.
Sự thận trọng này của các công ty là do giá dầu vẫn chưa thực sự ổn định và dễ biến động. Bất chấp nhu cầu về dầu mỏ từ các nền kinh tế đang “khát” năng lượng như Trung Quốc và Ấn Độ dự kiến sẽ vẫn ổn định, sự cân bằng của thị trường đang bị đe dọa bởi các công ty khai thác dầu đá phiến của Mỹ đẩy mạnh hoạt động sản xuất.