Bình quân 6 tháng đầu năm 2021, CPI tăng 1,47% so với cùng kỳ năm trước, mức tăng thấp nhất kể từ năm 2016. “Nếu không có những yếu tố quá đột biến xảy ra, lạm phát năm 2021 đạt dưới 4% là hoàn toàn khả thi”, Tổng cục trưởng Nguyễn Thị Hương cho biết.
Một số nguyên nhân làm tăng CPI trong 6 tháng đầu năm nay như: Giá xăng dầu trong nước được điều chỉnh 10 đợt làm cho giá xăng A95 tăng 4.440 đồng/lít; giá xăng E5 tăng 4.250 đồng/lít và giá dầu diezen tăng 3.740 đồng/lít. So với cùng kỳ năm trước, giá xăng dầu trong nước bình quân 6 tháng đầu năm 2021 tăng 17,01%, làm CPI chung tăng 0,61 điểm phần trăm.
Cùng với đó, giá gas trong nước biến động theo giá gas thế giới. Trong 6 tháng đầu năm 2021, giá bán lẻ gas trong nước được điều chỉnh tăng 4 đợt và giảm 2 đợt, bình quân 6 tháng giá gas tăng 16,51% so với cùng kỳ năm trước, góp phần làm CPI chung tăng 0,24 điểm phần trăm. Giá dịch vụ giáo dục 6 tháng tăng 4,47% so với cùng kỳ năm trước (làm CPI chung tăng 0,24 điểm phần trăm) do ảnh hưởng từ đợt tăng học phí năm học mới 2020 - 2021 theo lộ trình của Nghị định số 86/2015/NĐ-CP ngày 02/10/2015 của Chính phủ.
Bên cạnh đó, giá gạo trong nước tăng theo giá gạo xuất khẩu và nhu cầu tiêu dùng gạo nếp và gạo tẻ ngon trong dịp Tết Nguyên đán tăng cao làm cho giá gạo 6 tháng đầu năm 2021 tăng 6,97% so với cùng kỳ năm trước (làm CPI chung tăng 0,18 điểm phần trăm).
Nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng tăng 0,63% đẩy CPI chung tăng 0,12 điểm phần trăm. Nguyên nhân chủ yếu do các đợt nắng nóng trong tháng làm chỉ số giá điện, nước sinh hoạt lần lượt tăng 1% và tăng 0,26%. Bên cạnh đó giá vật liệu bảo dưỡng nhà ở tăng 1,26% theo giá nguyên, nhiên, vật liệu đầu vào.
Tuy nhiên, có một số yếu tố góp phần kiềm chế tốc độ tăng CPI 6 tháng đầu năm 2021 như: Giá các mặt hàng thực phẩm giảm 0,39% so với cùng kỳ năm trước làm CPI chung giảm 0,08 điểm phần trăm; Chính phủ triển khai các gói hỗ trợ cho người dân và người sản xuất gặp khó khăn do COVID-19 như gói hỗ trợ của Tập đoàn Điện lực Việt Nam nên giá điện sinh hoạt bình quân 6 tháng đầu năm 2021 giảm 3,06% so với cùng kỳ năm 2020 làm CPI chung giảm 0,1 điểm phần trăm; nhu cầu đi lại, du lịch của người dân giảm do ảnh hưởng của dịch COVID-19 làm giá của nhóm du lịch trọn gói giảm 2,85% so với cùng kỳ năm trước…
Lạm phát cơ bản tháng 6/2021 tăng 0,07% so với tháng trước và tăng 1,14% so với cùng kỳ năm trước. Lạm phát cơ bản bình quân 6 tháng đầu năm 2021 tăng 0,87% so với bình quân cùng kỳ năm 2020.
Theo Vụ Thống kê Giá (Tổng cục Thống kê), lượng dự trữ ngoại tệ của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam bảo đảm đáp ứng nhu cầu của các doanh nghiệp nhập khẩu, giá USD bình quân trên thị trường tự do quanh mức 23.129 đồng/USD. Như vậy, chỉ số giá USD tháng 6/2021 đã giảm 0,3% so với tháng 5/2021; đồng thời giảm 0,32% so với tháng 12/2020 và giảm 0,87% so với cùng kỳ năm 2020. Tuy nhiên, giá vàng trong nước lại biến động trái chiều với thế giới. Tính đến ngày 25/6, bình quân giá vàng thế giới ở mức 1.845,63 USD/ounce, giảm 0,67% so với tháng trước. Song trong nước, chỉ số giá vàng trong tháng tăng 1,12% so với tháng trước và tăng 0,23% so với tháng 12/2020 đồng thời tăng 12,37% so với cùng kỳ, bình quân 6 tháng giá vàng đã tăng 18,06%.