Đáng chú ý, giá dầu thô ngọt nhẹ WTI kỳ hạn giao tháng 5/2020 trên sàn Nymex của New York đóng cửa ở mức -37,63 USD/thùng. Đây là phiên giảm mạnh kỷ lục của giá dầu này kể từ khi bắt đầu số liệu được thu thập vào năm 1983 và cũng ghi nhận mức đóng cửa thấp chưa từng thấy, sau khi có thời điểm giữa phiên giảm chỉ còn -40,32 USD/thùng. Hợp đồng dầu WTI giao tháng 5/2020 đã hết hạn vào cuối phiên ngày 20/4.
Theo lãnh đạo Vụ Thị trường trong nước - Bộ Công Thương, hợp đồng ký mua dầu thô của tháng 5 kết thúc vào ngày 21/4. Thời điểm này, hầu hết các nền kinh tế trên thế giới đều rơi vào đình trệ, tiêu dùng thấp chưa từng có, đẩy tồn kho tăng quá cao và thiếu kho dự trữ nên nhiều hợp đồng tuy đã ký nhưng chưa xuất. Như vậy, hợp đồng đã ký nhưng không có giao hàng vật chất.
Chính áp lực đẩy dầu đi đã khiến thị trường xoay chuyển theo hướng phải bù thêm khoản tiền để người mua dọn dầu khi lượng ký bán đã quá nhiều mà không được tất toán. Nói cách khác, trên thị trường tương lai, khi hợp đồng dầu thô hết hạn, bên bán chuyển giao hàng hóa và bên mua buộc phải nhận hàng. Do đó, khoản tiền từ giá dầu âm có thể gọi là khoản bù hoãn mua.
Đại diện Vụ Thị trường trong nước cũng cho rằng, đây là diễn biến trong tình huống đặc biệt và diễn ra trong một vài thời điểm, không phản ánh giá dầu thực chất.
Theo PGS. TS Bùi Xuân Hồi, Giảng viên cao cấp bộ môn Kinh tế năng lượng, trường Đại học Bách khoa Hà Nội, giá dầu thế giới giảm sâu cùng sản lượng bán giảm như hiện nay chắc chắn sẽ tác động mạnh tới các doanh nghiệp trong lĩnh vực dầu khí; trong đó, có Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN).
Mặc dù giá dầu thế giới không thể kéo dài tình trạng giảm sâu như hiện nay bởi đây là mức giá thấp hơn nhiều so với giá thành sản xuất, song ông Bùi Xuân Hồi cho rằng, phương án mua dự trữ dầu thô là một giải pháp vừa giúp tiết kiệm tài nguyên, vừa tránh được việc khai thác dầu thô với giá thành cao trong khi giá bán đang thấp hơn rất nhiều.
“Đây là việc Nhà nước, ngành dầu khí trong nước cần làm để giảm thiểu rủi ro cho hoạt động kinh doanh dầu thô khi có biến động của thị trường quốc tế. Giá dầu giảm mạnh là lúc chúng ta tranh thủ cơ hội để thực hiện các hợp đồng phái sinh nhằm đảm bảo những hạn chế rủi ro do giá dầu gây ra”, ông Bùi Xuân Hồi nói.
Còn theo đại diện Hiệp hội Năng lượng Việt Nam, giá dầu đang ở mức thấp hơn nhiều so với mức giá thấp nhất của những năm trước đây (khoảng 45 - 50 USD/thùng). Do vậy, Hiệp hội sớm có văn bản kiến nghị Bộ Công Thương cho nhập khẩu xăng dầu bởi với giá dầu rẻ góp phần tạo thuận lợi cho nền kinh tế phục hồi nhanh hơn sau dịch COVID-19.
Nhiều chuyên gia cũng cho rằng, việc mua dự trữ dầu thô trong lúc giá rẻ là một phương án cần thiết. Mua dầu thô giá rẻ, chế biến và bán ra khi giá dầu tăng lên có thể giúp doanh nghiệp có lợi nhuận.
Theo Vụ Dầu khí và Than (Bộ Công Thương), lượng tiêu thụ các sản phẩm lọc hóa dầu, hiệu quả khai thác dầu khí giảm mạnh. Doanh thu bán dầu và nộp ngân sách Nhà nước từ dầu thô cũng sẽ giảm mạnh khi mà giá kế hoạch là 60 USD/thùng.
Cụ thể, nếu giá dầu ở mức 60 USD/thùng thì doanh thu bán dầu thô là 4,668 tỷ USD. Nếu giá dầu xuống 30 USD/thùng thì doanh thu từ bán dầu thô chỉ còn 2,362 tỷ USD. Nộp ngân sách Nhà nước cũng sẽ giảm từ 1,594 tỷ USD xuống còn 806 triệu USD (tương ứng PVN mất 2,3 tỷ USD doanh thu và giảm gần 800 triệu USD nộp ngân sách Nhà nước).
Với xăng dầu trong nước, theo lãnh đạo Vụ Thị trường trong nước, do Việt Nam không nhập dầu thô để phục vụ bán lẻ mà nhập dầu thành phẩm tham chiếu giá từ thị trường Singapore nên không chịu tác động nhiều từ diễn biến tại Mỹ. Theo đó, giá dầu thành phẩm tại thị trường Singapore chỉ giảm nhẹ xuống mức khoảng 25 USD/thùng. Tuy vậy, xu hướng giảm giá chung tất cả các mặt hàng cũng sẽ tạo tác động tích cực đến giá xăng dầu bán lẻ trong nước.
TS. Bùi Xuân Hồi cho rằng, lúc này cần tính tới những phương án an toàn như: việc trích lập Quỹ bình ổn nên cân đối để đảm bảo giá xăng dầu trong nước cũng ở mức thấp và đó là cơ hội để kích cầu cho lượng cầu tăng trở lại...