Chỉ một tuần trước, giá dầu thô WTI trên sàn New York vẫn giao dịch ở mức 18,27 USD/thùng, nhưng mức giá này đã giảm không phanh trong phiên giao dịch này.
Giới phân tích cho rằng trước tình hình này, nhiều công ty dầu mỏ Mỹ có nguy cơ phá sản. Bởi lẽ hầu hết "đại gia" dầu mỏ đều vay nợ lớn trong giai đoạn trước đó và với đợt suy giảm giá dầu lịch sử này, một số trong nhóm đó có thể sẽ không thể sống sót nổi.
Công ty nghiên cứu thị trường Rystad Energy cho biết nếu giá dầu ở mức 20 USD/thùng, tính đến cuối năm 2021, sẽ có 533 công ty sản xuất và khai thác dầu mỏ của Mỹ sẽ phải đệ đơn xin phá sản. Trong trường hợp giá dầu duy trì ở mức 10 USD/thùng, hơn 1.100 công ty sẽ phải phá sản.
Một trong những nguyên nhân khiến giá dầu lao dốc thế thảm là hợp đồng giao hàng tháng 5 đáo hạn vào ngày 21/4, các nhà đầu tư phải "bán tống bán tháo", càng tạo áp lực lên giá "vàng đen". Trong khi đó, có rất ít khách hàng mua dầu WTI giao tháng 5, vì không ai muốn nhận dầu vào lúc này.
Cùng với việc bán tháo trên thị trường, giá dầu giảm sâu là do thị trường dầu mỏ tại Mỹ đang dư thừa. Các hoạt động kinh tế và công nghệ bị đình trệ do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19, khiến nhu cầu tiêu thụ dầu mỏ thế giới giảm mạnh. Hiện lượng dầu tồn trong các kho chứa dầu của Mỹ ở Cushing đã tăng 9% trong tuần (tính tới ngày 17/4), khoảng 61 triệu thùng.
Trong bối cảnh đó, các công ty lọc dầu đều đang xử lý dầu thô với mức ít hơn bình thường, vì vậy hàng trăm triệu thùng dầu bị đẩy vào các kho chứa trên toàn thế giới. Một số nhà buôn thậm chí đã phải thuê tàu neo đậu chỉ để chứa dầu thừa. Hiện vẫn còn lượng dầu kỷ lục, ước tính 160 triệu thùng đang nằm trong két chứa trên toàn cầu.
Giá dầu WTI giao tháng 5 lao dốc còn phản ảnh lo ngại về một lượng cung dư thừa sắp xuất hiện. Đó là dầu xuất đi từ các quốc gia OPEC, như Saudi Arabia từ tháng 3. Hệ quả từ tình trạng dư cung trên thị trường toàn cầu đang là yếu tố gây áp lực lớn cho giá dầu. Mặc dù các nước sản xuất dầu đã ký thỏa thuận giảm sản lượng khai thác nhưng mức giảm đó không kịp để tránh bế tắc trong vài tuần tới. OPEC nhất trí giảm sản lượng khai thác 9,7 triệu thùng/ngày để kiểm soát nguồn cung, nhưng phải đến ngày 1/5 thỏa thuận mới có hiệu lực.
Tuy nhiên, theo báo Wall Street Journal, Saudi Arabia đang xem xét kế hoạch cắt giảm sản lượng sớm nhất có thể, thậm chí trước thời điểm dự kiến vào 1/5.