Vào lúc 23 giờ 10 phút theo giờ Việt Nam, giá vàng giao ngay tăng 0,5% lên 1.692,26 USD/ounce, sau khi có thời điểm giảm xuống mức thấp nhất kể từ ngày 9/4 là 1.670,55 USD/ounce. Giá vàng kỳ hạn cũng tăng 0,7% và khép phiên ở mức 1.711,20 USD/ounce.
Edward Moya, chuyên gia phân tích thị trường cấp cao của công ty OANDA, cho rằng giá vàng đang gia tăng trước những dự đoán rằng các biện pháp kích thích tiền tệ chưa từng có trên toàn cầu sẽ chỉ gia tăng và sau khi dự báo biến động mang tính lịch sử trong ngành dầu mỏ cho thấy hoạt động kinh tế toàn cầu còn lâu mới có thể phục hồi trở lại bình thường.
Phiên này, các thị trường chứng khoán toàn cầu đã bị ảnh hưởng mạnh khi giá dầu thô Mỹ sụt giảm mạnh xuống mức âm lần đầu tiên trong lịch sử. Dầu đã chịu áp lực trong nhiều tuần qua, khi dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 đẩy nhu cầu giảm mạnh. Mặc dù Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các nước đồng minh, hay còn gọi là OPEC+, đã nhất trí cắt giảm nguồn cung 9,7 triệu thùng/ngày, nhưng điều này sẽ không thể nhanh chóng làm giảm tình trạng dư cung trên toàn cầu.
Trong khi đó, một cuộc khảo sát mới đây của ngân hàng Deutsche Bank cho thấy thị trường đã trở nên thiếu tự tin hơn nhiều về khả năng châu Âu và Mỹ sẽ khôi phục lại hoạt động kinh doanh trước mùa Hè, dù nhiều nước đang bắt đầu dần mở cửa trở lại nền kinh tế.
Phiên này, giá bạch kim giảm 0,2% xuống 773,88 USD/thùng, trong khi giá bạc tăng 1% lên 15,28 USD/ounce.
Tại Việt Nam, vào lúc 16 giờ 41 phút ngày 20/4, Công ty Vàng Bạc Đá quý Sài gòn niêm yết giá vàng SJC tại thị trường Hà Nội ở mức 47,25- 48,02 triệu đồng/lượng (mua vào-bán ra).