Cụ thể, Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội (SHB) đã thông báo tăng đồng loạt lãi suất thêm 0,1%/năm với các kỳ hạn 6, 9, 12 và 24 tháng lên mức từ 6,9 - 7,4%/năm. Ngân hàng TMCP Quân đội (MBBank) cũng điều chỉnh tăng thêm 0,2%/năm cho lãi suất tiền gửi tiết kiệm kỳ hạn 2 tháng từ 5,1%/năm lên 5,3%/năm và kỳ hạn 6, 9 tháng từ 6,3%/năm lên mức 6,5%/năm. Đặc biệt, tại Ngân hàng TMCP Hàng hải Việt Nam (MSB), lãi suất tiền gửi kỳ hạn 24 tháng tăng mạnh từ 6,6%/năm lên mức 7,4%/năm; các kỳ hạn khác tăng nhẹ từ 0,05 - 0,2%/năm.
Trong khi đó, một số ngân hàng lại điều chỉnh lãi suất đi xuống và tập trung chủ yếu với các kỳ hạn ngắn. Tại Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank), lãi suất 6 tháng dành cho khách hàng thông thường giảm từ 6,2%/năm xuống còn 5,9%/năm. Đối với khách "VIP" gửi tiền dưới 1 tỷ đồng cũng chỉ được hưởng lãi suất 6%, giảm 0,3%/năm so với tháng 2/2019. Ngoài ra, lãi suất cao nhất của kỳ hạn 19 tháng, 20 tháng (áp dụng cho khách hàng ưu tiên có khoản tiền gửi trên 3 tỷ đồng) giảm 0,1%/năm xuống mức 6,9%/năm.
Tại Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank), trái với kỳ điều chỉnh thời điểm sau Tết Nguyên đán Kỷ Hợi, lãi suất các kỳ hạn đều được niêm yết giảm từ 0,1 - 0,2%/năm. Cụ thể, các kỳ hạn từ 1 - 3 tháng, lãi suất hiện ở mức 5 - 5,1%/năm; kỳ hạn 6 - 9 tháng là 6,1 - 6,2%/năm; kỳ hạn 12 - 24 tháng, lãi suất áp dụng ở mức 6,9 - 7,3%/năm.
Ngoài ra, một số ngân hàng thực hiện phát hành chứng chỉ tiền gửi với lãi suất hấp dẫn để gia tăng lượng tiền gửi dài hạn. Theo Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), từ nay đến 31/3/2019, ngân hàng triển khai chương trình chứng chỉ tiền gửi ghi danh trung và dài hạn 2019 dành cho khách hàng cá nhân và tổ chức với lãi suất 7,6%/năm.
Theo đó, BIDV triển khai chương trình theo hai hình thức lãi suất cố định và lãi suất thả nổi với các kỳ hạn lần lượt là 18, 24 và 36 tháng với mệnh giá tối thiểu 10 triệu đồng/tài khoản dành cho khách hàng cá nhân và 50 triệu đồng/tài khoản dành cho khách hàng tổ chức.
Cụ thể, chương trình sẽ có mức lãi suất 7,6%/năm dành cho hình thức lãi suất cố định. Đối với hình thức lãi suất thả nổi, lãi suất kỳ đầu là 7,5%/năm và sẽ được điều chỉnh bằng trung bình cộng lãi suất tiền gửi tiết kiệm cá nhân cùng kỳ hạn bằng VND trả sau được công bố trên trang thông tin điện tử chính thức của 4 ngân hàng thương mại Nhà nước (trước ngày xác định lãi suất 5 ngày) và không thấp hơn mức 7,5%/năm.
Như vậy, mức lãi suất từ chứng chỉ tiền gửi này cao hơn khá nhiều so với gửi tiền thông thường ở BIDV, với lãi suất cao nhất hiện là 6,9%/năm.
Theo giới chuyên gia, việc gia tăng huy động vốn kỳ hạn dài được coi là giải pháp giảm chỉ tiêu về tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn nhằm đáp ứng các chỉ tiêu vốn của Ngân hàng Nhà nước. Bên cạnh đó, tháng Ba được xem là tháng tăng tốc giải ngân tín dụng để thực hiện mục tiêu quý I nên nhu cầu huy động vốn cao, lãi suất nhiều khả năng khó giảm trên diện rộng.
Tuy vậy, theo nhận định từ Trung tâm nghiên cứu BIDV, với diễn biến thanh khoản hệ thống ngân hàng dồi dào, lãi suất qua đêm liên ngân hàng dự báo sẽ tiếp tục giảm. Cùng với các biện pháp điều chỉnh hỗ trợ linh hoạt của Ngân hàng Nhà nước, Trung tâm dự báo lãi suất thị trường sẽ có xu hướng ổn định và giảm nhẹ trong quý I.
Nhận định về tình hình lãi suất năm 2019, chuyên gia tài chính - ngân hàng, TS Cấn Văn Lực cho biết, mặt bằng lãi suất năm nay tương đối ổn định dù đôi lúc có chút "nhấp nhô", đặc biệt vào thời điểm cuối quý, cuối tháng hoặc cuối năm.
Theo ông, gửi tiền ngân hàng vẫn là một trong những kênh đầu tư hấp dẫn trong thời gian tới với mức lãi suất tương đối cao, khoảng 7%/năm. Đặc biệt, kỳ hạn 13 tháng đang là kỳ hạn hấp dẫn nhà đầu tư với mức lãi suất trung bình khoảng 7 - 7,5%/năm và sẽ càng cao hơn với các kỳ hạn dài.