Bên cạnh đó, Cố vấn kinh tế của Nhà Trắng, ông Larry Kudlow, mới đây đã nói rằng một thỏa thuận song phương giữa Mỹ và Trung Quốc đang “rất gần”. Những tín hiệu lạc quan rằng Washington và Bắc Kinh có thể sớm ký kết một thỏa thuận thương mại “Giai đoạn 1” cũng hỗ trợ giá “vàng đen”.
Trong bối cảnh đó, giá dầu Brent Biển Bắc phiên này tăng 19 xu Mỹ (tương đương 0,3%) lên mức 62,47 USD/thùng vào lúc 14 giờ 59 phút (theo giờ Việt Nam). Giá dầu thô ngọt nhẹ Mỹ (WTI) cũng tiến 21 xu Mỹ (0,4%) lên 56,98 USD/thùng.
Tâm trạng của giới đầu tư đã khởi sắc sau khi OPEC dự báo nhu cầu thế giới về dầu của khối này sẽ vào khoảng 29,58 triệu thùng/ngày vào năm 2020, thấp hơn 1,12 triệu thùng/ngày so với năm 2019.
Nhiều nhà phân tích nhận định thông tin trên ủng hộ quan điểm của các thị trường rằng OPEC cùng các nhà sản xuất ngoài khối này, bao gồm cả Nga, nên duy trì kế hoạch hạn chế sản lượng để đối phó với tình trạng dư cung.
Nhưng theo ông Jonathan Barratt, người đứng đầu mảng đầu tư của công ty dịch vụ tài chính Probis Group, một động thái như vậy của OPEC có thể gây phản tác dụng.
Chuyên gia này cho rằng không có lý do gì để OPEC kéo dài kế hoạch cắt giảm sản lượng khi rõ ràng là kinh tế toàn cầu đang “hạ nhiệt”. Nếu giá dầu lên cao hơn, nó sẽ làm tổn thương mọi nền kinh tế. Ngay cả khi điều đó không xảy ra, tình hình khi đó sẽ chỉ có lợi cho những nhà sản xuất dầu của Mỹ.
Sản lượng dầu của Mỹ vẫn tiếp tục tăng. Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) mới đây cho biết dự trữ dầu thô của nước này trong tuần trước đã tăng 2,2 triệu thùng, vượt xa mức dự báo tăng 1,649 triệu thùng mà các nhà phân tích đưa ra trước đó trong cuộc thăm dò của hãng Reuters.
EIA còn cho hay sản lượng dầu của Mỹ đã tăng 200.000 thùng/ngày lên mức kỷ lục 12,8 triệu thùng/ngày.