Giá dầu Brent kỳ hạn giảm 32 xu, hay 0,5%, xuống 61,74 USD/thùng vào lúc 14 giờ 58 phút theo giờ Việt Nam, trong khi giá dầu thô ngọt nhẹ West Texas Intermediate của Mỹ giảm 26 xu, hay 0,5%, xuống 56,54 USD/thùng.
Tổng thống Mỹ Donald Trump trong phát biểu ngày 13/11 nói rằng Mỹ và Trung Quốc sắp hoàn tất thỏa thuận thương mại nhưng không cho biết thời gian hay địa điểm ký kết, và điều này đã khiến các nhà đầu tư thất vọng.
Trong khi đó, dự báo của Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) rằng nhu cầu dầu sẽ tăng chậm hơn sau năm 2025 cũng gây sức ép lên thị trường.
Trong báo cáo Triển vọng năng lượng thế giới đến năm 2040 mới công bố, IEA dự báo nhu cầu dầu mỏ sẽ tăng trung bình khoảng 1 triệu thùng/ngày mỗi năm đến năm 2025, sau đó là 0,1 triệu thùng/ngày mỗi năm trong những năm 2030, khi hiệu quả sử dụng nhiên liệu được nâng cao và lượng xe điện gia tăng.
Ngay cả khi tăng trưởng sản lượng của Mỹ chậm lại so với tốc độ của những năm gần đây, nước sản xuất lớn nhất thế giới hiện nay sẽ vấn chiếm 85% mức tăng sản lượng dầu toàn cầu đến năm 2030.
Trong khi đó, tỷ trọng sản lượng của các thành viên Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) cùng với Nga trong tổng sản lượng toàn cầu được cho sẽ giảm xuống 47% trong phần lớn thời gian của thập kỷ tới, mức thấp nhất kể từ những năm 1980.
Theo kết quả một khảo sát sơ bộ mà Reuters công bố ngày 12/11, dự trữ dầu thô tại Mỹ được dự báo tăng tuần thứ ba liên tiếp trong tuần trước. Dự trữ dầu thô của Mỹ tăng khoảng 1,6 triệu thùng trong tuần kết thúc ngày 8/11.
Viện Xăng dầu Mỹ dự kiến công bố số liệu của tuần trước vào ngày 13/11 (theo giờ Mỹ), còn báo cáo hàng tuần của Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ sẽ được công bố một ngày sau đó.
Các nhà giao dịch cũng đang chú ý đến cuộc họp vào tháng tới của OPEC và Nga để quyết định có cắt giảm sản lượng mạnh hơn nhằm đẩy giá lên hay không.