Trong đó truy thu, truy hoàn và phạt gần 838 tỷ đồng; giảm lỗ hơn 2.774 tỷ đồng; giảm khấu trừ hơn 11,8 tỷ đồng và điều chỉnh tăng thu nhập chịu thuế gần 3.124 tỷ đồng. Qua thanh tra, kiểm tra xác định lại giá thị trường đối với giao dịch liên kết, Tổng cục Thuế đã truy thu hơn 236 tỷ đồng, giảm lỗ hơn 1.088 tỷ đồng, điều chỉnh tăng thu nhập chịu thuế hơn 2.942 tỷ đồng.
Theo Tổng cục Thuế, sau 2 năm thực hiện Nghị định số 20/2017/NĐ-CP về tăng cường thanh tra, kiểm soát doanh nghiệp, chống thất thu ngân sách, số lượng doanh nghiệp tự nguyện kê khai giao dịch liên kết đã tăng lên qua các năm. Tổng cục Thuế đã truy thu trên 1.400 tỷ đồng qua thanh tra, kiểm tra xác định lại giá giao dịch liên kết trong 2 năm 2017 – 2018.
Đến nay, các doanh nghiệp đã chuyển biến về nhận thức, tự giác tuân thủ việc kê khai về đối tượng áp dụng và lập hồ sơ xác định giá giao dịch liên kết. Đây là tín hiệu tích cực cho ngành Thuế, vì hầu hết các doanh nghiệp có phát sinh giao dịch liên kết là các đơn vị có quy mô lớn.
Tuy nhiên, sau 2 năm triển khai Nghị định 20, Tổng cục Thuế cũng đã nhận được những kiến nghị của cộng đồng doanh nghiệp về vướng mắc liên quan đến quy định khống chế lãi vay tại Nghị định này. Tổng cục Thuế đã tập hợp các ý kiến vướng mắc của doanh nghiệp, xây dựng và hoàn thiện Dự thảo nghị định mới trình Bộ Tài chính và trình Chính phủ trong năm nay để thay thế Nghị định 20.
“Việc ngành thuế tăng cường rà soát, đôn đốc doanh nghiệp thực hiện kê khai thông tin giao dịch liên kết theo quy định đã tạo điều kiện cho nhiều doanh nghiệp lập hồ sơ chứng minh xác định giá thị trường đối với các giao dịch liên kết", ông Phạm Ngọc Lai, Quyền Vụ trưởng Vụ Thanh tra (Tổng cục Thuế) nói.
Theo chuyên gia Công ty Kiểm toán và Tư vấn RSM Việt Nam, có 4 rủi ro lớn mà các doanh nghiệp thường gặp khi kê khai giao dịch liên kết, gồm: Sai sót trong lập hồ sơ, không có cơ sở dữ liệu để so sánh, rủi ro giải trình với cơ quan thuế và các thách thức phát sinh từ nền kinh tế kỹ thuật số.
Đơn cử, khi lập hồ sơ về giao dịch liên kết, kế toán ở các doanh nghiệp thường chọn không đúng quốc gia của bên liên kết, ghi thiếu mã số thuế, cũng như sai sót trong việc xác định mối quan hệ giữa các bên. Điều này mang lại rủi ro cho doanh nghiệp, vì cơ quan thuế thường chú ý những giao dịch liên quan đến các quy định về thuế của các nước.
"Ở trường hợp khác, doanh nghiệp không thuộc trường hợp miễn trừ, nhưng vẫn kê khai là được miễn. Doanh nghiệp cần lưu ý, cơ quan thuế sẽ có quyền ấn định mức giá; tỷ suất lợi nhuận; tỷ lệ phân bổ lợi nhuận được sử dụng để kê khai tính thuế, ấn định thu nhập chịu thuế hoặc số thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp”, ông Lê Khánh Lâm, Phó Tổng giám đốc RSM Việt Nam nói.
Báo cáo của Tổng cục Thuế cũng cho biết, tổng thu ngân sách Nhà nước 7 tháng đầu năm 2019 do cơ quan thuế quản lý ước đạt 725.744 tỷ đồng, bằng 62,1% so với dự toán pháp lệnh, tăng 11,5% so với cùng kỳ năm 2018. Trong đó, thu từ dầu thô ước đạt 77% dự toán, chủ yếu do giá dầu bình quân đạt 67,9 USD/thùng, cao hơn 4,4% so với dự toán.
Thu nội địa ước đạt 61,5% so với dự toán pháp lệnh, tăng 12,3% so với cùng kỳ năm 2018. Có 12/18 khoản thu, sắc thuế thu đạt khá (trên 60%). Hầu hết các khoản thu, sắc thuế đều có mức tăng trưởng thu so với cùng kỳ năm 2018.
Giảm 102 chi cục thuế sau 3 đợt hợp nhất
Tổng cục Thuế cho biết, sau 3 đợt triển khai hợp nhất các chi cục thuế, Tổng cục đã sắp xếp, hợp nhất 194 chi cục thuế, thuộc 29 cục thuế tỉnh, thành phố, để thành lập 92 chi cục thuế khu vực. Từ 711 chi cục giảm xuống còn 609 chi cục thuế, giảm 102 chi cục thuế so với trước khi sắp xếp. Tổng cục Thuế cũng đã trình Bộ Tài chính phương án giảm thêm 100 chi cục thuế tiếp theo.