Theo ông Việt Anh, có những doanh nghiệp được ví như con sếu đầu đàn của ngành thì không nên bắt họ khoản vay nào cũng phải thế chấp. “Từng tiếp xúc nhiều các doanh nghiệp nhỏ và vừa, tôi thấy doanh nghiệp rất e dè khi phải mang tài sản của cả gia đình để thế chấp cho ngân hàng để vay vốn làm ăn”, ông Việt Anh nói.
Phó Trưởng Ban quản lý (BQL) Khu nông nghiệp công nghệ cao Thành phố Hồ Chí Minh, ông Từ Minh Thiện chia sẻ: Thực tế các hộ nông dân có nhu cầu vay vốn nhưng lại không đủ điều kiện vì quy mô lao động chỉ vài người, sản xuất nhỏ, không có tài sản thế chấp, không có tư cách pháp nhân. Với những doanh nghiệp này, họ không thể là khách hàng hoặc đối tác thực sự của ngân hàng để vay theo chính sách ưu đãi của Nhà nước.
Một rào cản nữa theo đại diện BQL Khu nông nghiệp công nghiệp cao, dù có các quỹ bảo lãnh nhưng để cho vay vốn ngân hàng vẫn yêu cầu doanh nghiệp phải có tài sản thế chấp. “Hay như doanh nghiệp vay vốn nhưng làm ăn thua lỗ do yếu tố khách quan, quỹ bảo lãnh phải trả nợ thay cho doanh nghiệp nhưng pháp luật lại quy trách nhiệm cho những người làm nghiệp vụ bảo lãnh, cho vay trong khi lĩnh vực nông nghiệp rất dễ xảy ra rủi ro. Cần có chính sách để tháo gỡ các vướng mắc này", ông Từ Minh Thiện kiến nghị.
Đưa nhiều gói sản phẩm cho vay cũng là giải pháp đẩy lùi tín dụng đen, ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó Giám đốc thường trực Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chi nhánh Thành phố Hồ Chí Minh cho biết: NHNN đang đưa ra nhiều sản phẩm dịch vụ, trong đó có gói vay tín chấp để đáp ứng nhu cầu vay vốn của doanh nghiệp. Để hỗ trợ tín dụng, các ngân hàng thương mại, quỹ tín dụng nhân dân, các công ty tài chính… đang vào cuộc thúc đẩy hoạt động cho vay tiêu dùng.
Liên quan tới chính sách thúc đẩy cho vay tín chấp, tiêu dùng, Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú cho hay: NHNN đang sửa quy định theo hướng tăng quyền chủ động cho ngân hàng để có cơ chế thoáng hơn trong việc cho vay tín chấp.
Cụ thể, NHNN đang sửa đổi Thông tư 39/2016/TT-NHNN theo hướng tăng quyền chủ động cho các ngân hàng. Theo đó, việc cho vay tín chấp, thế chấp sẽ tùy thuộc vào các Ngân hàng thương mại và các giám đốc chi nhánh. Ngoài ra, các ngân hàng cũng phải minh bạch lãi suất, các loại phí, công bố thời gian xét duyệt cho vay; công khai gói sản phẩm để người vay quyết định. "Từ nay đến cuối năm, NHNN sẽ điều hành theo hướng đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô, không tăng lãi suất cho vay”, ông Đào Minh Tú nhấn mạnh.
Hưởng ứng chủ trương trên, đại diện SeABank vừa tuyên bố cho vay tiêu dùng tín chấp lên tới 500 triệu đồng. Theo SeABank, ngân hàng đã cải tiến, bổ sung thêm nhiều điểm mới giúp khách hàng dễ dàng, nhanh chóng tiếp cận nguồn vốn vay tiêu dùng tín chấp như: Áp dụng cho khách hàng có thu nhập chuyển khoản hoặc tiền mặt, vay tối đa 25 lần thu nhập, hạn mức lên tới 500 triệu đồng và được giải ngân làm nhiều lần phù hợp với nhu cầu của khách hàng…
“SeABuy là gói sản phẩm tín dụng hỗ trợ khách hàng cá nhân có nhu cầu vay tiêu dùng mà không cần tài sản đảm bảo. Theo đó, khách hàng có nguồn thu nhập nhận qua tài khoản mở tại SeABank, qua ngân hàng khác hoặc nhận bằng tiền mặt có thể vay vốn lên đến 25 lần thu nhập và tối đa lên đến 500 triệu đồng trong vòng 60 tháng. Thậm chí, các khách hàng có nguồn thu nhập từ lương hưu cũng đủ điều kiện vay vốn theo sản phẩm. Bên cạnh đó, SeABank còn hỗ trợ tối đa về thủ tục, hồ sơ, giấy tờ vay vốn, giải ngân không quá 3 ngày làm việc nhằm đáp ứng nhanh chóng nhu cầu tài chính của khách hàng”, đại diện SeABank nói.
Ông Phạm Toàn Vượng, Phó Tổng giám đốc Agribank cho biết: Ngân hàng đã triển khai chương trình tín dụng tiêu dùng quy mô khoảng 5.000 tỉ đồng, món vay tiêu dùng tối đa 30 triệu đồng, thủ tục xét duyệt, giải ngân trong ngày.
“Ngân hàng đã nâng mức cho vay tối đa từ 50 triệu đồng/hộ lên 100 triệu đồng/hộ vay không phải tín chấp đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, cho vay phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi và kéo dài thời hạn cho vay từ 60 tháng lên tối đa 120 tháng đối với hộ nghèo…”, ông Nguyễn Văn Lý, Phó Tổng giám đốc Ngân hàng chính sách xã hội nói.
Trong thời gian tới, lãnh đạo của NHNN sẽ tiếp tục triển khai đồng bộ, quyết liệt Nghị định 116/2018/NĐ-CP sửa đổi bổ sung Nghị định 55/2015/NĐ-CP về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn để đẩy mạnh cho vay đối với cá nhân, hộ gia đình sản xuất nông nghiệp nông thôn, nâng mức cho vay không có tài sản đảm bảo lên đến 200 triệu đồng nhằm tạo điều kiện cho người dân khu vực nông nghiệp nông thôn có đủ vốn sản xuất, phục vụ tiêu dùng nhằm góp phần hạn chế người dân tìm đến nguồn vốn tin dụng phi chính thức khác.
Còn nhiều cơ hội khai thác tín dụng tiêu dùng
Chia sẻ về cơ cấu tín dụng trong nền kinh tế, TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia tài chính - ngân hàng cho rằng: Tín dụng tiêu dùng ở Trung Quốc chiếm 21% trong tổng tín dụng, của ASEAN là 35%..., còn ở Việt Nam chỉ chiếm khoảng 18% trong tổng dư nợ (gồm cả cho vay mua nhà, sửa chữa nhà ở). Theo ông Cấn Văn Lực, các công ty tài chính cũng như ngân hàng sẽ có cơ hội khai thác lĩnh vực còn nhiều tiềm năng này. Ưu điểm nữa là hiện nay các công ty tài chính đang đẩy mạnh đầu tư công nghệ nên có thể xử lý được khoản vay nhanh nhất, đáp ứng yêu cầu vay vốn của người dân.