Sửa đổi để các gói hỗ trợ đạt tính khả thi cao
Số liệu mới nhất từ Tổng cục Thống kê (TCTK) cho hay: 9 tháng năm 2020, số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn là 38.600, tăng 81,8% so với cùng kỳ năm trước; 27.600 doanh nghiệp ngừng hoạt động, chờ làm thủ tục giải thể, giảm 2,4%; gần 12.100 doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 0,1%. Ở chiều ngược lại, 9 tháng năm nay, Việt Nam có gần 99.000 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, giảm 3,2% so với cùng kỳ năm 2019, nhưng tổng vốn đăng ký tăng 10,7%, lên hơn 1,4 triệu tỷ đồng.
Theo TS Cấn Văn Lực và nhóm nghiên cứu thuộc Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV, để “cứu” doanh nghiệp bị ảnh hưởng của dịch bệnh, Chính phủ đã đưa ra các gói hỗ trợ. Gói hỗ trợ tài khóa với giá trị khoảng 73.100 tỷ đồng (1,2% GDP) theo Nghị quyết 41) bằng miễn, giảm thuế, phí, lệ phí và gia hạn nộp thuế và tiền thuê đất trong 5 tháng. Gói hỗ trợ tiền tệ - tín dụng giá trị ước tính 36.600 tỷ đồng;G ói an sinh - xã hội và các gói hô trợ khác với tổng giá trị 26.000 tỷ đồng (0,43% GDP).
Theo các chuyên gia kinh tế, để các doanh nghiệp được “chạm tới” gói hỗ trợ nhiều hơn, Chính phủ cần tháo gỡ vướng mắc về điều kiện thụ hưởng; đồng thời đẩy nhanh tiến độ.
“Đối với gói tài khóa, cần sớm quyết định cho phép gia hạn thời gian giãn, hoãn thuế, tiền thuê đất, trước mắt hết năm 2020 hoặc hết quý II/2021. Cần trình Quốc hội xem xét, phê chuẩn vào kỳ họp tháng 10/2020. Đối với gói tiền tệ - tín dụng, cần sớm sửa đổi Thông tư 01 theo hướng mở rộng đối tượng hỗ trợ và gia hạn thời gian giãn, hoãn nợ, cân nhắc thời điểm phải chuyển nhóm nợ cho phù hợp để giảm bớt khó khăn cho các tổ chức tín dụng, tránh nợ xấu tăng đột biến...”, TS Cấn Văn Lực nói.
Trong kiến nghị mới nhất của Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV) thuộc Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính gửi Thủ tướng Chính phủ có nêu: Thay vì các chính sách hỗ trợ khi doanh nghiệp đã “kiệt quệ” và “đổ vỡ”, đề nghị Chính phủ rà soát, sửa đổi hoặc báo cáo Quốc hội cho phép sửa đổi theo hướng có nhiều hơn những chính sách giúp doanh nghiệp tiết giảm được dòng tiền chi ra để giúp doanh nghiệp cân đối, sử dụng dòng vốn còn rất mỏng cho các khoản chi tối thiểu nhằm duy trì người lao động, sản xuất, kinh doanh và tái cấu trúc doanh nghiệp.
Cụ thể, đề xuất Chính phủ trình Quốc hội giảm thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) 30% cho các doanh nghiệp năm 2020, thay vì chỉ áp dụng với trường hợp có tổng doanh thu năm 2020 không quá 200 tỷ đồng; giảm tối thiểu 50% các khoản bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp trong năm 2020, thậm chí kéo dài sang năm 2021.
Theo TS Nguyễn Đình Cung, thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng, các gói hỗ trợ vừa qua là phù hợp như: Giảm lãi vay và thuế phí, tăng thêm nguồn lực cho doanh nghiệp…nhưng vẫn chỉ là những giải pháp nhỏ, dàn trải. Thực tế, mức độ doanh nghiệp được hưởng lợi không đáng kể. Chẳng hạn với giảm thuế, chỉ doanh nghiệp vẫn còn doanh thu để nộp thuế mới được hưởng lợi chính sách gia hạn nộp thuế, còn những doanh nghiệp khó khăn đến mức không có doanh thu thì chính sách gia hạn thuế hay miễn thuế cũng không có ý nghĩa nhiều.
Để “hà hơi” cho doanh nghiệp, ông Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch VCCI kiến nghị, Chính phủ và Quốc hội xem xét bổ sung giải pháp miễn giảm một số sắc thuế, kéo dài thời hạn giãn, hoãn các khoản phải trả, phải nộp của doanh nghiệp trong thời gian 6 - 12 tháng tới; nới room, nâng trần tăng trưởng tín dụng để tiếp sức cho doanh nghiệp. Vấn đề thứ hai, là thúc đẩy thực thi thật nhanh, hiệu quả, minh bạch và công tâm các gói hỗ trợ đã ban hành. “Nhanh một ngày thì doanh nghiệp sống, chậm một ngày doanh nghiệp có thể sẽ không còn, lúc đó các biện pháp hà hơi, tiếp sức sẽ chẳng có ích gì”, ông Vũ Tiến Lộc nhấn mạnh.
Cải cách thủ tục
Ông Vũ Tiến Lộc cho rằng, sự minh bạch hóa, đơn giản hóa để rút ngắn tối đa thời gian và chi phí thực hiện các thủ tục hành chính mới là giải pháp bền vững cho doanh nghiệp.
Để giải quyết được sức ỳ trong cắt giảm, đơn giản hoá thủ tục kinh doanh, Phó Chủ tịch thường trực kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNN&V) Việt Nam - ông Tô Hoài Nam cho rằng: “Những gì gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp, không cần thiết, cản trở môi trường kinh doanh thì nên cắt bỏ. Bởi có những rào cản làm mất đi cơ hội kinh doanh do đó cần phải rà soát để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp”.
Môi trường đầu tư kinh doanh cần dịch chuyển sang hướng thúc đẩy, thay vì chỉ hỗ trợ, tạo điều kiện. Theo ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế - VCCI, Việt Nam đã đi những bước dài trong cải cách thủ tục đăng ký kinh doanh, gia nhập thị trường. Nhưng hiện giờ phải xử lý các thủ tục bảo đảm quyền tài sản, thực thi hợp đồng, giải quyết tranh chấp. Lúc này, cải cách phải theo hướng tạo thuận lợi, chủ động lựa chọn và thúc đẩy đầu tư, chứ không đơn giản là tháo gỡ khó khăn.
Cùng quan điểm, nhưng TS.Võ Trí Thành cho rằng, các bước cải cách cần đạt được tốc độ và cách thức thực hiện phù hợp. “Lúc này, đòi hỏi cơ chế đặc thù, giải quyết bài toán bộ máy, cơ chế phản ứng và sự quyết liệt. Có thể có Tổ công tác giải quyết các dự án ách tắc, như TP.Hồ Chí Minh Bắc Giang, Quảng Ninh…đã thực hiện, để tiếp nhận thông tin từ các doanh nghiệp, từ đó đôn đốc các bộ, ngành, địa phương vào cuộc. Có thể chính cách xử lý này sẽ trở thành cơ chế, chính sách mới sau khi đúc rút, nghiên cứu”, ông Võ Trí Thành đề xuất.
Với quyết tâm kiến tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 68/NQ-CP về chương trình cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh giai đoạn 2020 - 2025. Nghị quyết đặt mục tiêu trong giai đoạn từ năm 2020 đến năm 2025 cắt giảm, đơn giản hóa ít nhất 20% số quy định và cắt giảm ít nhất 20% chi phí tuân thủ quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh…
Chuyển đổi số để chủ động ‘vượt bão’
Trong thời gian dịch bệnh, nhiều doanh nghiệp đã áp dụng công nghệ trong sản xuất, nhất là bán hàng theo hướng số hóa. Các doanh nghiệp như: Hưng Thịnh, LDG, An Gia Group, Vingroup, Novaland, Sunshine Group… đều kịp thời đưa các ứng dụng công nghệ vào vận hành để tương tác với khách hàng.
Không chịu "bó gối" trước tình trạng các trang trại không tái đàn, tranh thủ xả hàng bởi lo ngại khả năng lưu thông khó khăn, ông Trương Chí Thiện, Tổng Giám đốc Công ty Vĩnh Thành Đạt đã thành lập nhanh chóng các kho ngay vùng nguyên liệu và đưa công nghệ sơ chế, chế biến về đó để chủ trang trại yên tâm trong việc được thu mua, bao tiêu sản phẩm khi dịch bùng phát. "Sản phẩm trứng trước đây chưa từng được Vĩnh Thành Đạt đưa lên kênh trực tuyến - online nhưng nhận thấy nếu tình hình cách ly xã hội kéo dài, chúng tôi buộc phải tham gia kênh này. Hiện, người tiêu dùng có thể dễ dàng tìm mua trứng tươi Vfood trên website bán hàng của công ty và nền tảng thương mại điện tử Lazada", ông Trương Chí Thiện cho biết.
Tập đoàn Hưng Thịnh đã tiến hành chuyển đổi số và nghiên cứu ứng dụng các công nghệ mới vào các quy trình quản lý và kinh doanh. “Chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ mới còn giúp làm tốt công tác truyền thông nội bộ; tính toán và phân tích đầu tư, chi phí tài chính một cách nhanh chóng và chính xác để ra quyết định, nhất là trong những thời điểm cần có quyết sách liên quan đến sự hỗ trợ tài chính, giảm giá, giãn kỳ thanh toán nhằm chia sẻ khó khăn cho khách hàng. Tất cả yếu tố trên đã giúp Hưng Thịnh, doanh số không giảm, quy mô đầu tư tăng và không cắt giảm nhân sự mà còn gia tăng gần 8%”, ông Võ Văn Khang, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Hưng Thịnh nói.
Theo chuyên gia kinh tế, PGS-TS Ngô Trí Long, chuyển đổi số là công cụ hiệu quả nhất trong lúc này. Nó sẽ giúp các doanh nghiệp tiết kiệm chi phí sản suất, hiệu quả công việc cao lên và đặc biệt là ngăn chặn dịch bệnh phát tán do tiếp xúc trực tiếp.