IAE: Giá dầu sẽ tiếp tục suy giảm

Giám đốc điều hành Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IAE) Fatih Birol ngày 25/4 cảnh báo rằng áp lực địa chính trị gia tăng từng ngày là một thách thức đối với an ninh năng lượng, đồng thời kêu gọi hợp tác quốc tế để đảm bảo an ninh năng lượng, trong bối cảnh thế giới đang đối mặt với những thách thức lớn về nguồn cung dầu khí và các khoáng sản quan trọng.

Chú thích ảnh
Vòi bơm dầu tại một cây xăng ở Tehran, Iran. Ảnh: IRNA/TTXVN

Trả lời phỏng vấn báo The National News của Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) ngày 25/4, ông Birol nhấn mạnh sự cần thiết phải tìm ra điểm chung giữa các quốc gia vào thời điểm mà "sự phân mảnh địa chính trị đang thực sự gia tăng". Ông Birol cảnh báo không quốc gia nào có thể một mình tự giải quyết vấn đề năng lượng. Mặc dù ông Birol không nêu tên bất kỳ quốc gia cụ thể nào chịu trách nhiệm về sự phân mảnh đó, nhưng các chính sách của chính quyền Mỹ và mối đe dọa của chiến tranh thương mại đang ảnh hưởng đến giá dầu trên toàn cầu.

Giám đốc điều hành IEA đã chủ trì Hội nghị Thượng đỉnh về Tương lai An ninh Năng lượng tại Anh. Sự kiện diễn ra trong 2 ngày và kết thúc vào chiều 25/4. Ông Birol cho biết hội nghị là một thành công lớn, với sự tham gia của các đại diện của 60 quốc gia từ 5 châu lục cũng như các công ty dầu mỏ lớn, bao gồm ExxonMobil, Adnoc và Shell. Khoảng 15 nhà xuất khẩu dầu mỏ, các nhà sản xuất năng lượng tái tạo lớn, chủ sở hữu các mỏ khoáng sản quan trọng như đồng, lithium, kẽm đã tham gia hội nghị.

Ngành năng lượng thế giới đang chuyển hướng nhiều hơn sang nhiên liệu hóa thạch kể từ khi ông Donald Trump tái đắc cử Tổng thống Mỹ. Trong khi đó, chính sách thuế quan mới của Mỹ cũng dẫn đến sự không chắc chắn đối với nền kinh tế toàn cầu. Trong bối cảnh giá dầu đang biến động, ông Birol nhận định: "Giá dầu sẽ tiếp tục suy giảm. Giá dầu có thể chịu áp lực giảm nữa vì sự không chắc chắn của chiến tranh thương mại. Với quỹ đạo như hiện nay vẫn tiếp diễn, nhu cầu dầu toàn cầu sẽ bị ảnh hưởng theo cách tiêu cực". Ông Birol cho rằng sự không chắc chắn của nền kinh tế toàn cầu và các cuộc chiến thương mại đang làm cho triển vọng kinh tế trở nên bất ổn và yếu kém hơn nhiều.

Khẳng định rằng dầu khí sẽ vẫn là nguồn năng lượng chính trong nhiều năm tới, ông Birol cũng chỉ ra những rủi ro trước mắt đối với nguồn cung năng lượng, bao gồm các vấn đề trong hoạt động vận chuyển dầu mỏ qua Biển Đỏ do các mối đe dọa tấn công từ lực lượng Houthi ở Yemen. Ông Birol nhấn mạnh sự cần thiết phải có các giải pháp rõ ràng và có tổ chức để giải quyết những mối đe dọa đó, có thể là các giải pháp quân sự.

Nguyễn Trường (TTXVN)
Căng thẳng Mỹ - Trung giảm nhiệt, giá dầu tăng phiên thứ hai
Căng thẳng Mỹ - Trung giảm nhiệt, giá dầu tăng phiên thứ hai

Giá dầu châu Á tăng phiên thứ hai liên tiếp trong ngày 22/4 nhờ tín hiệu về khả năng căng thẳng thương mại Mỹ - Trung hạ nhiệt. Tuy nhiên, thị trường vẫn đang hướng tới một tuần giảm giá khoảng 2% trong bối cảnh lo ngại về tình trạng dư cung.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ

Các đơn vị thông tin của TTXVN