Theo Sở Công Thương tỉnh Tiền Giang, lượng hàng hóa thiết yếu mà các doanh nghiệp dự trữ phục vụ gồm: 934 tấn gạo các loại, 491 tấn đường, 895 lít dầu ăn, hơn 731 tấn bột ngọt và hạt nêm cùng khoảng 80 tấn thịt gia súc, gia cầm… Cùng đó là các mặt hàng tiêu dùng khác như: bánh mứt, lạp xường, nước giải khát, bột giặt,…đảm bảo đáp ứng kịp thời nhu cầu của người dân.
Tổng cộng có 8 doanh nghiệp, đơn vị kinh doanh tham gia gồm: Hợp tác xã Thương mại – Dịch vụ Phường 1 (thành phố Mỹ Tho), Công ty TNHH Tiền Giang – Sài Gòn (Co.op Mart Mỹ Tho), Chi nhánh Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại Thành phố Hồ Chí Minh, Chi nhánh Công ty TNHH EB Tân Phú tại Mỹ Tho, Công ty TNHH Thương mại xuất nhập khẩu Hữu Thành Phát, Công ty Lương thực Tiền Giang và Hợp tác xã Vĩnh Kim.
Tỉnh cũng có nhiều chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp tham gia chương trình này như: xem xét cho vay vốn từ các ngân hàng thương mại trên địa bàn với mức ưu đãi, giảm từ 1,5% đến 2,5%/năm so với lãi suất thông thường; hỗ trợ kinh phí treo băng rôn tại các điểm bán hàng bình ổn; thông tin để người dân hiểu chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước.
Hiện đã có 3 doanh nghiệp đề nghị được vay vốn ưu đãi để thực hiện dự trữ, cung ứng hàng hóa thiết yếu phục vụ Tết gồm Hợp tác xã Thương mại – dịch vụ Phường 1 (thành phố Mỹ Tho), Công ty Lương thực Tiền Giang, Hợp tác xã Vĩnh Kim với tổng kinh phí 32,3 tỷ đồng.
Tỉnh yêu cầu các doanh nghiệp tham gia phải cung cấp kịp thời, đầy đủ các mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân; ưu tiên dự trữ, cung ứng hàng Việt Nam chất lượng cao; chú trọng đối tượng chính sách, hộ gia đình nghèo, người dân khu vực nông thôn nhiều khó khăn. Hàng hóa dự trữ, cung ứng phải đảm bảo chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm, giá cả hợp lý, ổn định nhất là thời điểm thiếu hàng, giá ngoài thị trường tự do tăng cao; chống đầu cơ, ghim hàng, tăng giá, trục lợi bất chính…
Theo đó, Sở Công Thương tỉnh Tiền Giang chủ trì, phối hợp cùng các cơ quan, đơn vị kiểm tra, theo dõi việc thực hiện kế hoạch dự trữ, cung ứng hàng hóa thiết yếu phục vụ Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021. Đồng thời, theo dõi chặt chẽ diễn biến thị trường, dự báo cung cầu hàng hóa, giá cả một số mặt hàng thiết yếu trước, trong và sau Tết. Trên cơ sở đó, ngành chủ động có phương án điều chỉnh hoặc đề xuất biện pháp đảm bảo cân đối cung cầu, ổn định thị trường, phục vụ nhân dân vui tết an toàn, tiết kiệm; xử lý nghiêm quy định pháp luật những trường hợp vi phạm.